Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh

Thứ bảy - 25/05/2024 22:49 1.261 0
Ngày 14/5/2024, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 146-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh. Trang Thông tin điện tử Tỉnh ủy Lai Châu trân trọng giới thiệu toàn văn Quy định như sau:
QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC, MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA ĐẢNG ĐOÀN, BAN CÁN SỰ ĐẢNG CẤP TỈNH
 
- Căn cứ Điều lệ Đảng và Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về thi hành Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII,

Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc làm việc, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng trong cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật cấp tỉnh (sau đây gọi chung là đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh) như sau:
 
Chương I
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

 
Điều 1. Vị trí, chức năng
Đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh là tổ chức đảng do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh) thành lập, chịu sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, thực hiện chức năng lãnh đạo, chỉ đạo đối với hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật cấp tỉnh theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương.

Điều 2. Nhiệm vụ

1. Lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật cấp tỉnh thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng (sau đây gọi chung là chủ trương, quy định của Đảng) và của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, pháp luật của Nhà nước, điều lệ của từng tổ chức; phương hướng, nhiệm vụ chính trị, tổ chức, cán bộ của ngành, cơ quan, tổ chức; lãnh đạo kiểm tra việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng; quyết định những vấn đề về tổ chức, cán bộ, biên chế theo phân công, phân cấp quản lý cán bộ; phối hợp với đảng ủy (hoặc chi bộ) để thực hiện công tác xây dựng cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công.

2. Đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh thảo luận tập thể, biểu quyết và quyết nghị các vấn đề sau:
- Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, lĩnh vực được phân công. Cụ thể hoá chủ trương, quy định của Đảng và của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, pháp luật của Nhà nước thành các chương trình, kế hoạch thực hiện của cơ quan, tổ chức.

- Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án quan trọng mà đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm soạn thảo, ban hành.

- Lãnh đạo, chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức, bộ máy và biên chế, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo phân cấp.

- Lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng và của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh trong ngành, lĩnh vực được phân công. Cho chủ trương, quan điểm xử lý kỷ luật đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền theo phân cấp quản lý.

3. Phối hợp với các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp tỉnh, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh và đảng ủy (hoặc chi bộ) cơ quan để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng đảng bộ (hoặc chi bộ) cơ quan trong sạch, vững mạnh.

Điều 3. Quyền hạn
1. Thực hiện quyền hạn của mình theo quy định và chịu trách nhiệm trước ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh về các đề xuất và quyết định của mình.

2. Được sử dụng bộ máy giúp việc của cơ quan để thực hiện nhiệm vụ.

3. Dự các cuộc họp có liên quan do ban thường vụ, thường trực cấp ủy cấp tỉnh triệu tập.

4. Được các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin:
- Chủ trương, quy định của Đảng và của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, chính sách, pháp luật của Nhà nước ban hành và các thông tin có liên quan.

- Báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp tỉnh và các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh có liên quan đến nhiệm vụ của đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh.

Việc cung cấp thông tin cho các thành viên đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh do bí thư (hoặc phó bí thư hoặc thành viên (nơi không có phó bí thư) được ủy quyền) xem xét, quyết định.
 
Chương II
CƠ CẤU TỔ CHỨC, NGUYÊN TẮC VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 4. Cơ cấu tổ chức
Thành viên đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh do ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh quyết định chỉ định trên cơ sở đề nghị của ban tổ chức cấp ủy và đảng đoàn, ban cán sự đảng.

1. Thành viên đảng đoàn hội đồng nhân dân cấp tỉnh gồm: Chủ tịch, các phó chủ tịch hội đồng nhân dân, trưởng các ban của hội đồng nhân dân, chánh văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân. Chủ tịch hội đồng nhân dân làm bí thư đảng đoàn, một phó chủ tịch hội đồng nhân dân làm phó bí thư đảng đoàn.

2. Thành viên ban cán sự đảng ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm: Chủ tịch, các phó chủ tịch ủy ban nhân dân, giám đốc sở nội vụ, chánh văn phòng ủy ban nhân dân. Chủ tịch ủy ban nhân dân làm bí thư ban cán sự đảng, một phó chủ tịch ủy ban nhân dân làm phó bí thư ban cán sự đảng.

3. Thành viên đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh gồm: Chủ tịch, các phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (là đảng viên), trưởng các tổ chức chính trị - xã hội, các ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trưởng ban có nhiệm vụ tham mưu công tác tổ chức, cán bộ (là đảng viên) cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm bí thư đảng đoàn, một phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm phó bí thư đảng đoàn.

4. Thành viên ban cán sự đảng tòa án nhân dân cấp tỉnh gồm: Chánh án, các phó chánh án, trưởng phòng tổ chức cán bộ. Chánh án làm bí thư ban cán sự đảng, một phó chánh án làm phó bí thư ban cán sự đảng.

5. Thành viên ban cán sự đảng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gồm: Viện trưởng, các phó viện trưởng, trưởng phòng tổ chức cán bộ. Viện trưởng làm bí thư ban cán sự đảng, một phó viện trưởng làm phó bí thư ban cán sự đảng.

6. Thành viên đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh gồm: Chủ tịch, các phó chủ tịch và trưởng ban (phòng) có nhiệm vụ tham mưu công tác tổ chức, cán bộ (là đảng viên) của tổ chức đó. Chủ tịch làm bí thư đảng đoàn, một phó chủ tịch làm phó bí thư đảng đoàn.

7. Thành viên đảng đoàn liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật cấp tỉnh gồm: Chủ tịch, các phó chủ tịch (là đảng viên) và trưởng ban (phòng) có nhiệm vụ tham mưu công tác tổ chức, cán bộ (là đảng viên) của tổ chức đó. Chủ tịch làm bí thư đảng đoàn, một phó chủ tịch làm phó bí thư đảng đoàn.

Điều 5. Nguyên tắc làm việc
Đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số. Đối với những nội dung công tác quan trọng, vượt thẩm quyền phải xin ý kiến ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh. Khi các thành viên của đảng đoàn, ban cán sự đảng có ý kiến khác nhau, qua thảo luận không thống nhất (biểu quyết không đạt đa số quá bán) thì báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau đó với ban thường vụ cấp ủy.

Điều 6. Chế độ làm việc
1. Đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh họp định kỳ 1 tháng một lần, họp chuyên đề và đột xuất khi cần; các cuộc họp chỉ được thực hiện khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự. Nội dung các cuộc họp đều phải ghi biên bản, có kết luận và ra nghị quyết để lưu hành, tổ chức thực hiện. Trường hợp cần thiết, đột xuất không tổ chức họp thì được lấy ý kiến thành viên đảng đoàn, ban cán sự đảng bằng văn bản (trừ công tác cán bộ).

2. Bí thư đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh điều hành công việc chung, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; chủ trì các cuộc họp, trực tiếp báo cáo hoặc ký các văn bản của đảng đoàn, ban cán sự đảng với cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp. Khi có yêu cầu đột xuất, nếu bí thư đi vắng hoặc chưa có bí thư thì phó bí thư hoặc một thành viên (nơi không có phó bí thư) được ủy quyền hoặc được cấp thẩm quyền phân công phụ trách chủ trì cuộc họp và ký văn bản, báo cáo.

3. Phó bí thư hoặc một thành viên (nơi không có phó bí thư) được phân công giải quyết công việc thường xuyên, trực tiếp phụ trách bộ phận giúp việc đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh; các thành viên khác thực hiện nhiệm vụ theo phân công. Thành viên đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh phải thực hiện nghiêm chế độ bảo mật và phát ngôn về nội dung cuộc họp đảng đoàn, ban cán sự đảng.

4. Căn cứ nội dung, yêu cầu cuộc họp, đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh mời đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan dự. Cuộc họp có nội dung về công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ phải mời đại diện các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp tỉnh có liên quan dự.

5. Sau mỗi hội nghị ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh, bí thư đảng đoàn, ban cán sự đảng là ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh (hoặc được mời dự hội nghị ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh) có trách nhiệm truyền đạt nhanh những nội dung cơ bản của hội nghị đến cán bộ chủ chốt trong cơ quan; chỉ đạo thực hiện các nội dung trong nghị quyết liên quan đến cơ quan, tổ chức. Trường hợp bí thư đi vắng hoặc chưa có bí thư thì phó bí thư hoặc một thành viên (nơi không có phó bí thư) được ủy quyền hoặc được cấp có thẩm quyền phân công phụ trách được mời dự hội nghị ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh có trách nhiệm truyền đạt nhanh các nội dung trong nghị quyết liên quan đến cơ quan, tổ chức.

Điều 7. Giúp việc đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh
1. Đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh có bộ phận giúp việc kiêm nhiệm gồm: Trưởng bộ phận giúp việc là chánh văn phòng hoặc trưởng ban (phòng) có nhiệm vụ tham mưu công tác tổ chức, cán bộ và một số cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức đó do đảng đoàn, ban cán sự đảng xem xét, quyết định.

2. Bộ phận giúp việc đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh có nhiệm vụ: Chủ trì phối hợp, tham mưu, giúp đảng đoàn, ban cán sự đảng chuẩn bị nội dung, ghi biên bản cuộc họp, thực hiện công tác văn thư, lưu trữ. Thực hiện nhiệm vụ tổng hợp thông tin, theo dõi, đôn đốc việc phối hợp giữa đảng đoàn, ban cán sự đảng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện nhiệm vụ và thực hiện các nhiệm vụ khác do đảng đoàn, ban cán sự đảng giao.
Chương III
QUAN HỆ CÔNG TÁC


Điều 8. Quan hệ với ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh
Đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng và của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, pháp luật của Nhà nước, điều lệ của từng tổ chức. Tham mưu, đề xuất những chủ trương, giải pháp quan trọng liên quan đến ngành, lĩnh vực được phân công. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hoặc khi có yêu cầu.

Điều 9. Quan hệ với các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp tỉnh
1. Đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp tỉnh về triển khai thực hiện chủ trương, quy định của Đảng và của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ của ngành, cơ quan, tổ chức.

2. Phối hợp tham mưu, đề xuất với cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh về chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị trên lĩnh vực được phân công và công tác tổ chức, cán bộ theo quy định phân cấp quản lý.

3. Kịp thời gửi báo cáo và các văn bản có liên quan về các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp tỉnh.

Điều 10. Quan hệ với các đảng ủy khối cấp tỉnh
1. Đảng đoàn, ban cán sự đảng phối hợp với các đảng ủy khối cấp tỉnh trong công tác xây dựng Đảng theo phân công, phân cấp; định kỳ hằng năm hoặc khi cần thì chủ động trao đổi ý kiến với ban thường vụ đảng ủy khối để kịp thời phối hợp công tác.

2. Phối hợp thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng theo quy định đối với đảng viên diện ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh quản lý.

3. Phối hợp tham gia ý kiến với đảng ủy khối (có liên quan) đối với nhân sự cấp ủy của đảng bộ (hoặc chi bộ) cơ quan.

Điều 11. Quan hệ với đảng ủy (hoặc chi bộ) cơ quan
1. Đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với đảng ủy (hoặc chi bộ) cơ quan trong việc tổ chức học tập, quán triệt chủ trương, quy định của Đảng và của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh; lãnh đạo thực hiện các nghị quyết, quyết định của đảng đoàn, ban cán sự đảng liên quan đến nhiệm vụ chính trị; lãnh đạo kiểm tra và trao đổi ý kiến bằng văn bản đối với những nội dung về công tác cán bộ theo phân cấp quản lý; xây dựng đảng bộ (hoặc chi bộ) cơ quan trong sạch, vững mạnh.

2. Đảng đoàn, ban cán sự đảng kịp thời thông báo với đảng ủy (hoặc chi bộ) cơ quan những chủ trương, nghị quyết của đảng đoàn, ban cán sự đảng liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan để đảng ủy (hoặc chi bộ) cơ quan góp ý kiến, phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

3. Định kỳ 6 tháng một lần hoặc khi cần thì đảng đoàn, ban cán sự đảng nghe đại diện đảng ủy (hoặc chi bộ) cơ quan thông báo việc thực hiện nhiệm vụ, các chế độ, chính sách trong cơ quan để có phương hướng, biện pháp phối hợp giải quyết.

Điều 12. Quan hệ với thủ trưởng (người đứng đầu) và tập thể lãnh đạo cơ quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật cấp tỉnh
1. Căn cứ nghị quyết, kết luận của đảng đoàn, ban cán sự đảng, thủ trưởng (người đứng đầu) và tập thể lãnh đạo cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệ mỗi tổ chức.

2. Thủ trưởng (người đứng đầu) có trách nhiệm chuẩn bị nội dung để đưa ra thảo luận và quyết nghị trong đảng đoàn, ban cán sự đảng.

Điều 13. Quan hệ giữa các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy quân sự, đảng ủy bộ đội biên phòng, đảng ủy công an, ban thường vụ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp tỉnh
Quan hệ giữa các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy quân sự, đảng ủy biên phòng, đảng ủy công an, ban thường vụ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp tỉnh là quan hệ phối hợp để thực hiện các nhiệm vụ được giao dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh.

Điều 14. Quan hệ với các quận ủy, huyện ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh
1. Đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh phối hợp với các quận ủy, huyện ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, chấp hành chủ trương, quy định của Đảng, của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh ở các cơ quan, tổ chức thuộc trách nhiệm quản lý hoặc liên quan đến hoạt động của ngành, lĩnh vực hoạt động trên địa bàn.

2. Phối hợp đầy đủ, kịp thời trong công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên theo quy định phân cấp quản lý.

3. Khi cần thiết thì đại diện đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh trao đổi với cấp ủy địa phương về nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực và nghe ý kiến của cấp ủy địa phương về các vấn đề có liên quan; trường hợp có ý kiến khác nhau thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
 
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
 
Điều 15. Điều khoản thi hành
1. Ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh thực hiện nghiêm Quy định này; lập các đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh và chỉ định thành viên đảng đoàn, ban cán sự đảng theo đúng quy định.


2. Căn cứ Quy định này, đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh xây dựng và ban hành quy chế làm việc; đảng đoàn hội đồng nhân dân, ban cán sự đảng ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh ban hành quy chế làm việc.

3. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quy định này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh mới thì ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh báo cáo về Ban Tổ chức Trung ương để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tác giả: Ban Biên tập

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản mới

Số: 47/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ

lượt xem: 4980 | lượt tải:107

Số: 46/2024/TT-BTC

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

lượt xem: 4636 | lượt tải:110

Số: 72/2024/NĐ-CP

Nghị định Quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội

lượt xem: 5622 | lượt tải:158

Số: 43/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh

lượt xem: 5573 | lượt tải:125

Số: 54/2024/NĐ-CP

Nghị dịnh Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

lượt xem: 6802 | lượt tải:256
  • Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V (2020-2025)

    Trong 2 ngày (27-28/7/2020) Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V...

hienphapvn
  • Đang truy cập108
  • Hôm nay25,513
  • Tháng hiện tại474,376
  • Tháng trước668,260
  • Tổng lượt truy cập34,866,462
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down