Chỉ cần dành một chút thời gian thôi để lướt qua các trang mạng của các thế lực thù địch, phản động như “Việt Tân”, “Chân trời mới Media”, các đài lề trái hải ngoại RFA, VOA, BBC... thì luôn thấy nhan nhãn những thông tin/luận điệu xuyên tạc, bịa đặt và kích động kiểu: “Người cộng sản bây giờ thực chất là những kẻ tham nhũng quyền lực và tài sản. Họ chỉ giả danh ‘vô sản’ để thâu tóm quyền lực và làm giàu trên xương máu của công nhân và nông dân mà thôi”; hay “Nếu muốn bắt hãy bắt cả ‘thể chế’, đừng bắt từng cá nhân! Không bao giờ bắt hết được đâu”; và “Một khi cỗ máy đã bị lỗi hoàn toàn, bên trong nát như tương, cho dù có thay thế bằng những phụ tùng của nó thì chắc chắn nó cũng không thể xử dụng được”.v.v.. Nhưng phải khẳng định ngay rằng những thông tin/luận điệu kiểu như vậy là hoàn toàn sai trái, chống đối, kích động tư tưởng, bởi thực tế 94 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm ngược lại những thông tin xấu độc mà các thế lực thù địch, chống phá tung ra.
Thực tế từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc; và lịch sử vẻ vang của Đảng đã chứng minh điều đó. Là người sáng lập, rèn luyện Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh thường xuyên yêu cầu Đảng phải công khai, minh bạch, nêu rõ những ưu điểm, thành công để phát huy, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, thất bại để sửa chữa, khắc phục cho tiến bộ. Theo Người, trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng không tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm hay thất bại, vấn đề quan trọng là phải thẳng thắn công khai chỉ ra và tìm mọi cách sửa chữa, khắc phục cho hiệu quả. Hồ Chí Minh đã phân tích rất rõ vấn đề thực hiện nguyên tắc phê bình và tự phê bình trong Đảng, đưa ra những biểu hiện vi phạm, né tránh, thậm chí tâng bốc nhau. Tháng 10 - 1947, Người viết trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc: “Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu”. Người xác định nguyên nhân của hiện tượng cán bộ không phê bình, không nói là do cán bộ sợ, chứ không phải do họ không có gì để phê bình, không có gì để nói. Người còn nêu cụ thể hậu quả tiêu cực của hiện tượng trên là làm cho trong Đảng mất hết dân chủ, “nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức hóa ra oán ghét, chán nản”.
Vì vậy, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở Đảng không được che giấu khuyết điểm, không được sợ phê bình mà Đảng phải nhận khuyết điểm của mình, “tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên”. Người còn đưa ra nhiều biện pháp để thực hiện, trong đó có việc Đảng phải giáo dục, hướng dẫn cán bộ, đảng viên thực hiện tốt mối quan hệ với nhân dân. Người căn dặn rất cụ thể: cán bộ, đảng viên phải chân thành, thật thà gần gũi, học hỏi nhân dân và cán bộ ngoài Đảng, không được giấu dốt, không được khách sáo… để thực hiện sự tin tưởng, đoàn kết, cùng nhau tiến bộ, phát triển.
Hồ Chí Minh còn là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần thẳng thắn công khai thừa nhận khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục. Ngày 1- 1-1956, khi kết luận về đợt 1 của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (mở rộng), Hồ Chí Minh phát biểu: “Chúng ta đã thấy sai lầm khuyết điểm, Bộ Chính trị quyết ra sức sửa chữa. Tôi thay mặt Trung ương kêu gọi toàn thể đảng viên, toàn thể cán bộ, toàn thể nhân dân đều phải ra sức giúp Bộ Chính trị sửa chữa. Toàn Đảng ta, toàn dân ta đoàn kết nhất trí, thì dù sai lầm khuyết điểm nhiều mấy, chắc chắn cũng sửa chữa được”.
Những tư tưởng, lời dạy, cách làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả trong quá trình xây dựng, trưởng thành, lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới vừa qua. Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định: “Chỉ tính riêng từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, nhiều cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, có những lúc Đảng ta đã công khai nhận sai lầm, khuyết điểm, công khai nói rõ những mặt yếu kém, tiêu cực trong Đảng. Điều đó thể hiện bản lĩnh, sự cầu thị, tính lành mạnh của một Đảng cách mạng chân chính”. Tư tưởng, ý chí, quyết tâm của Đảng và Tổng Bí thư là không sợ nói ra khuyết điểm, tiêu cực, nhưng cũng không cho phép ai lợi dụng việc đấu tranh sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, tiêu cực đó để chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Thành công của Đảng chính là bởi lời nói luôn đi đôi với việc làm, Đảng đã có những chủ trương, giải pháp tích cực để thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của mình. Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, trong đó có nêu rõ: “Ý thức được nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hóa.v.v.., nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa v.v… trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”.
Quyết tâm, ý chí, chủ trương, giải pháp của Đảng cùng những thành tựu đã đạt được, tiếp tục là cơ sở quan trọng, tạo thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước đi lên trong niềm tin và sự kỳ vọng: “Với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ làm chuyển biến được tình hình để không phụ lòng mong đợi của Nhân dân đối với Đảng; để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự “là đạo đức, là văn minh”.