Không thể phủ nhận tính chính nghĩa, tầm vóc, giá trị to lớn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Thứ bảy - 04/05/2024 21:352.5220
Trong những ngày của Tháng Năm lịch sử, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang vui mừng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2024) với niềm tự hào, lòng biết ơn và sự khẳng định truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Thì trong thế giới của những kẻ “me tây” lại đi ngược với bầu không khí ấy, một số đối tượng thông qua mạng xã hội đã tung ra những luận điệu lạc lõng xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa, phủ nhận tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn này của nhân dân ta.
Các thế lực, phản động xuyên tạc rằng, cuộc kháng chiến chống Pháp với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam chỉ là cuộc đụng độ giữa hai thế lực hiếu chiến; hay đáng nói hơn, chúng tráo trở cho rằng, thực chất quân đội Pháp dưới sự hậu thuẫn của Mỹ có mặt ở Việt Nam là để ngăn Việt Nam xâm lược một nước khác… Thực ra đây vẫn là trò “bổn cũ soạn lại” chứ không có gì mới nhưng nó vẫn hết sức thâm độc, nguy hiểm. Không chỉ phủ nhận tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn của nhân dân Việt Nam, mà qua đó nó còn gieo rắc sự hoài nghi, gây phân tâm trong Nhân dân.
Sự thật lịch sử vốn rất rõ ràng. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã tác động, cỗ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa; làm cho các thế lực đế quốc và bọn phản động quốc tế hết sức lo sợ, chúng tìm mọi cách chống phá hòng thủ tiêu Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đặc biệt là Mỹ công khai ủng hộ, giúp đỡ Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam và Đông Dương.
Sau khi ra đời chính quyền cách mạng của ta phải đối phó với muôn vàn khó khăn, đứng trước tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc”. Quân giặc bao vây tứ bề. Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, 20 vạn quân Tưởng kéo vào, theo chúng là bọn tay sai thuộc các tổ chức phản động, âm mưu cướp chính quyền mà nhân dân ta đã giành được. Từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, hơn 1 vạn quân Anh kéo vào, dọn đường cho thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Ngoài ra, trên cả nước còn hơn 6 vạn quân Nhật đang chờ giải giáp. Bọn phản động trong nước ngóc đầu dậy, làm tay sai cho Pháp, chống phá cách mạng… Trong khi đó chính quyền cách mạng còn non trẻ; lực lượng vũ trang còn yếu. Giặc đói, giặc dốt hoành hành… Trước tình hình đó, cùng với việc củng cố chính quyền, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm các biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, để tranh thủ thời gian củng cố lực lượng cách mạng, tránh phải đối phó với nhiều kẻ thù trong cùng một thời điểm.
Đối với quân Pháp, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng mọi biện pháp giành lấy hòa bình bằng giải pháp đàm phán. Ta đã chủ động đàm phán để tránh cuộc chiến tranh, giữ hòa bình cho cả hai dân tộc, giữ độc lập cho Tổ quốc, rồi ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, sau đó ký Tạm ước ngày 14-9-1946. Không chỉ vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi thư tới nguyên thủ các nước lớn và các thành viên của Liên Hợp quốc nêu rõ thiện chí hòa bình, mong muốn Liên Hợp quốc chấp nhận những yêu cầu chính đáng của Việt Nam để duy trì hòa bình. Đồng thời, Người liên tục gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp và cử phái viên đến gặp người cầm đầu Pháp ở Đông Dương để tìm cách cứu vãn hòa bình, tránh cuộc chiến tranh đổ máu… Nhưng với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã đưa hàng chục vạn sĩ quan, binh lính của quân đội nhà nghề, với hàng triệu tấn bom đạn, vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân nhất để giáng lên đầu hàng chục triệu người dân vô tội. Tuy nhiên, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã nhất tề đứng lên, vượt qua hy sinh, gian khổ để giành chiến thắng cuối cùng tại chiến dịch Điện Biên Phủ (07/5/1954), buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời phải công nhận độc lập của Lào và Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử 70 năm. Song, với những động cơ, mục đích thấp hèn kẻ xấu, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận tầm vóc, giá trị ý nghĩa lịch sử to lớn này của nhân dân ta. Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ một lần nữa nhắc nhở chúng ta cùng với tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ những quy luật, bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh phản bác mọi luận điệu, chiêu trò của các thế lực thù địch, phản động và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí hòng xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế