Tỉnh ủy Lai Châu

http://laichau.dcs.vn


Đảng bộ tỉnh Lai Châu 73 năm xây dựng và phát triển

Cách đây 73 năm (ngày 10/10/1949), Ban cán sự Đảng Lai Châu được thành lập, trải qua 73 năm đi từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh, Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã không ngừng phát triển, trong từng giai đoạn cách mạng đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc và từng bước phát triển bền vững.
Trải qua 14 kỳ Đại hội, Đảng bộ tỉnh Lai Châu không ngừng phát triển và trưởng thành
Nằm ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc tỉnh Lai Châu có vị trí địa chiến lược quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn có truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong chống giặc ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; luôn có ý chí vượt khó vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, xây dựng và bảo vệ quê hương.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 lực lượng cán bộ của Đảng, Chính phủ được tăng cường lên Lai Châu hoạt động, gây dựng phong trào cách mạng. Đặc biệt từ năm 1947 đến 1949 các đội võ trang tuyên truyền của Liên Khu 10 được thành lập và vào địa bàn tỉnh hoạt động, phong trào cách mạng nơi đây phát triển nhanh chóng, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của địa phương đỏi hỏi cần phải có tổ chức đảng trực tiếp lãnh đạo, ngày 10/10/1949 Liên khu ủy 10 đã quyết dịnh thành lập Ban cán sự Đảng Lai Châu (tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh ngày nay). Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng, từ đây, phong trào cách mạng Lai Châu trở thành bộ phận khăng khít với phong trào cách mạng cả nước, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng và Bác Hồ. Trải qua 73 năm Đảng bộ tỉnh Lai Châu không ngừng phát triển, đi từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh. Từ 3 đồng chí trong Ban cán sự đảng đến ngày 2/12/1949 Ban Cán sự thành lập chi bộ đầu tiên với 20 đồng chí đảng viên (18 đảng viên chính thức, 2 đảng viên dự bị), đến nay trải qua 14 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã có 12 đảng bộ trực thuộc, 534 tổ chức cơ sở đảng, 1.908 chi bộ trực thuộc, với trên 30.000 đảng viên. Trong từng giai đoạn cách mạng Đảng bộ luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi các phong trào cách mạng. Thời kỳ đầu mới thành lập, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song công tác xây dựng, phát triển đảng vẫn được quan tâm, trên cơ sở cán bộ và đảng viên được điều động vào địa bàn tỉnh hoạt động, số lượng đảng viên ngày một tăng, đến tháng 7/1950 tỉnh Lai Châu đã có 40 đảng viên (đảng viên đều là người nơi khác đến, chưa có đảng viên là người địa phương), để tiện cho sự chỉ đạo và thuận lợi cho công tác phát triển Đảng, Ban cán sự Đảng Lai Châu quyết địch chia tách, thành lập 4 chi bộ. Nhiệm vụ của các chi bộ, tập trung lãnh đạo phục hồi các cơ sở bị địch càn quét trước đây, phát triển cơ sở mới, xây dựng chính quyền, tổ chức lực lượng dân quân du kích; đồng thời lãnh đạo Nhân dân thực hiện cuộc vận động tăng gia sản xuất giải quyết lương thực, chống đói; huy động sức người, sức của tham gia chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Giai đoạn 1953 - 1954, công tác xây dựng Đảng bộ có nhiều bước tiến mới, đến cuối năm 1953, số lượng đảng viên toàn tỉnh đã tăng lên 236 đồng chí sinh hoạt tại 18 chi bộ. Dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò trách nhiệm bám dân, bám cơ sở tuyên truyền, vận động Nhân dân các dân tộc tích cực tham gia lao động sản xuất đóng góp lương thực, thực phẩm và tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống thực dân Pháp, thực hiện công tác tiễu phỉ, cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, kết thúc cuộc khắng chiến chống pháp thắng lợi.

Bước vào giai đoạn mới 1954-1975, Đảng bộ tỉnh tập trung xây dựng, củng cố tổ chức đảng và phát triển đảng viên, trong đó tập trung thành lập chi bộ cấp xã, chú trọng phát triển đảng viên người địa phương, đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng chi bộ 4 tốt và cuộc vận động “Nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh”, đến năm 1972 Đảng bộ tỉnh đã có 19 Đảng bộ trực thuộc, 196 chi bộ cơ sở nông thôn, với trên 3.000 đảng viên, trong đó có trên 1000 đảng viên là người địa phương, lãnh đạo nhân dân các dân tộc vượt qua mọi khó khăn thử thách, khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, huy động sức người, sức của góp phần chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, cùng quân dân cả nước giành thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào; cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thực hiện đổi mới đất nước (1976 - 2003), Đảng bộ tỉnh luôn coi trọng và thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, số lượng đảng viên phát triển nhanh chóng, đến năm 2001 toàn Đảng bộ tỉnh đã có trên 17.000 đảng viên. Năm 1982 thực hiện Chỉ thị số 83-CT/TW của Ban Bí thư, Tỉnh ủy đã tiến hành triển khai công tác phát thẻ đảng viên kết hợp với công tác đấu tranh khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Giai đoạn này trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ tỉnh đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và chính phủ vào điều kiện thực tiễn của tỉnh, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, xóa đói nghèo, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Năm 2004, thực hiện chia tách, thành lập tỉnh, trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ tỉnh đã tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đến tháng 9/2022 Đảng bộ tỉnh có 12 Đảng bộ trực thuộc, 534 tổ chức cơ sở đảng, 1.908 chi bộ trực thuộc đảng uy cơ sở và đảng ủy bộ phận, với 30.294 đảng viên; 100% các thôn, bản, tổ dân phố có chi bộ đảng. Chất lượng đảng viên được nâng lên, qua đánh giá xếp loại năm 2021, có 478 tổ chức cơ sở Đảng được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (chiếm 92,81%), trong đó có 17,86% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (tăng 0,84 so với năm 2020); có trên 27.000 đảng viên được xếp hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (chiếm 95,83%), trong đó có 14,57% được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (tăng 0,56%  so với năm 2020). Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên đã lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ đề ra. Kinh tế phát triển khá, tốc độ tăng GDP bình quân của tỉnh trong giai đoạn 2004-2021 đạt trên 11%;  thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt trên 2000 tỷ tăng gấp 62 lần so với năm 2004; GRDP thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng; đã có 2 huyện, thành phố và 40 xã hoàn thành và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, năm 2021 chỉ còn hơn 16%. Lai Châu đã từng bước ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (năm 2010); tình trạng kém phát triển (năm 2015)... Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.

Những kết quả trên tạo động lực quan trọng để Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo Nhân dân các dân tộc vượt qua khó khăn, phát huy tiềm năng lợi thể thực hiện thắng lợi mục tiêu “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; củng cố, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển mạnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Tiếp tục phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng nông thôn và liên kết vùng. Nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và chất lượng dân số; bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa bản sắc tốt đẹp của các dân tộc để xây dựng con người phát triển toàn diện; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước”.

Phấn khởi kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949 - 10/10/2022), mỗi chúng ta càng thêm tự hào, giữ vững niềm tin theo Đảng, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thách thức, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, khơi dậy khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, quyết tâm xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững./.

Tác giả: Thanh Sơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down