Tỉnh ủy Lai Châu

http://laichau.dcs.vn


Lai Châu hưởng ứng “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4”

Sách có một vai trò rất quan trọng đối với việc mở rộng hiểu biết của con người và từ đó góp phần phát triển thế giới. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, đồng thời phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Phong trào đọc sách trong giới trẻ vẫn được duy trì và phát triển (ảnh minh họa)
Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được bắt nguồn từ một phong tục truyền thống rất đẹp ở Catalonia (Tây Ban Nha) cách đây hơn 80 năm: Vào ngày 23/4 hằng năm, có rất nhiều hội chợ sách và các lễ hội đường phố được tổ chức, mỗi khách hàng sẽ được tặng một bông hồng kèm theo khi mua một cuốn sách. Từ đó hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày sách, Tuần lễ thư viện. Đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa đọc, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc tại Paris (ngày 25/10 - 16/11/1995), UNESCO (Tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học Liên Hợp quốc) đã quyết định chọn ngày 23/4 hằng năm làm “Ngày sách và bản quyền thế giới” với mong muốn là dịp để cả thế giới tôn vinh sách và những người sáng tạo ra sách, những người đã có những đóng góp không gì thay thế được đối với sự phát triển văn hóa nhân loại; dịp để khuyến khích tất cả mọi người, nhất là giới trẻ, khám phá niềm yêu thích đọc sách, tôn vinh văn hoá đọc. Trong đó nêu rất rõ mục tiêu và các thành phần tham gia ngày tôn vinh những giá trị của sách và sự đóng góp của các tác giả cho sự ra đời của các tác phẩm bất hủ.

Tại Việt Nam, Ngày đọc sách thế giới được tổ chức hằng năm do Thư viện Quốc gia làm chủ trì nhằm khuyến khích, đưa phong trào đọc sách, báo trở thành thành nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam trong thời kỳ đất nước giao lưu, hội nhập quốc tế. Mong muốn “Ngày hội đọc sách” sẽ lan toả khắp cả 63 tỉnh, thành nhằm thúc đẩy và tôn vinh những ngành nghề liên quan đến sách báo và tri thức như: Thư viện, Xuất bản, phát hành... để sách báo trở thành những người bạn thân thiết của mỗi người hơn. Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hằng năm là ngày Sách Việt Nam. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện số 46/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trong đó khoản 1 Điều 30 quy định ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc; là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, nó còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

Nhận thức được tầm quan trọng của Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu tích cực hưởng ứng. Để tạo điều kiện và khuyến khích mọi người dân tham gia đọc sách, phát triển phong trào đọc, hệ thống thư viện, tủ sách tại các địa phương, đơn vị được quan tâm phát triển từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 8 thư viện công cộng (01 thư viện tỉnh, 7 thư viện huyện); cùng trên 500 thư viện và tủ sách chuyên ngành, trong đó, 106 tủ sách pháp luật tại UBND các xã, phường, thị trấn; 158 tủ sách tại các bản, khu phố; 23 thư viện, tủ sách của các đơn vị lực lượng vũ trang; 208 thư viện trường học và cơ sở dạy nghề; 15 tủ sách điểm bưu điện văn hóa xã. Hệ thống thư viện và tủ sách thường xuyên được bổ sung sách, tài liệu hằng năm, tính riêng năm 2021 thư viện tỉnh đã đươc bổ sung 2.000 bản sách; thực hiện xử lý 1.900 tài liệu theo đúng quy tắc, quy chuẩn, yêu cầu về tiêu chuẩn nghiệp vụ thư viện; thường xuyên quan tâm xử lý tài liệu đảm bảo tính thống nhất trong liên kết chia sẻ giữa các thư viện. Việc quản lý, khai thác, phát huy công năng của hệ thống thư viện và tủ sách được chú trọng với những hình thức phù hợp như: phục vụ người đọc tại chỗ, mượn tài liệu về nhà, truy cập hệ thống kết nối mạng tại thư viện... qua đó thu hút được các đọc giả đến thư viện và tủ sách. Trong năm 2021, chỉ tính riêng hệ thống thư viện trong tỉnh đã thu hút được 47.500.000 lượt đọc giả, trong đó đến thư viện nghiên cứu tài liệu qua truy cập mạng máy tính là 12.000 lượt người, tham quan và đọc nghiên cứu tại thư viện, mượn về nhà 35.500.000 lượt... phong trào đọc có sự chuyển biến tích cực, nhất là trong giới trẻ.

Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống thư viện và việc quản lý khai thác sử dụng tủ sách trên địa bàn tỉnh cũng còn những hạn chế, chậm được đổi mới; chưa thực sự thu hút được đông đảo người dân đến tham gia các hoạt động tại thư viện; phong trào đọc sách chưa thực sự sâu rộng, văn hóa đọc chỉ được tổ chức và duy trì tại các khu vực đô thị (trung tâm thành phố, thị trấn); các tủ sách, nhất là các xã, bản vùng sâu, vùng xa chưa được phát huy...

Để hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người dân về vai trò tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam trong đời sống xã hội tại Lai Châu; kịp thời phát hiện, tuyên truyền nhân rộng, biểu dương gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện, các tủ sách. Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Tăng cường các hoạt động giới thiệu, khích lệ mọi người dân đọc sách bằng nhiều hình thức phù hợp; tổ chức triển lãm sách tại các địa phương, đơn vị...

Sách có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của mỗi con người. Đọc sách là phương pháp tự học hiệu quả và thiết thực nhất mà ai cũng có thể làm được; rèn luyện thói quen đọc sách sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy tích cực đọc sách, tích cực tham gia hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4./. 

Tác giả: Trường Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down