Tỉnh ủy Lai Châu

http://laichau.dcs.vn


Tiếp tục đẩy mạnh công tác gia đình, góp phần xây dựng Lai Châu phát triển bền vững

Quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác gia đình được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả tích cực. Các phong trào xây dựng gia đình đình ấm no, hạnh phúc, xây dựng nếp sống mới lan tỏa mạnh mẽ; các giá trị văn hoá truyền thống được giữ gìn và phát huy, mỗi gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Tuyên truyền về công tác xây dựng gia đình thông qua các cuộc thi, hội thi
Nhận thức rõ gia đình có vai trò quan trọng trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư, Tỉnh ủy Lai Châu đã cụ thể hóa thành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện: Chỉ thị 12-CT/TU về tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số, gia đình và trẻ em giai đoạn 2005-2010; Thông tri số 10-TTr/TU, ngày 11/8/2009 của về thực hiện Kết luận số 44-KL/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình”… Chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo Công tác gia đình các cấp; tổ chức quán triệt, học tập sâu rộng tới cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh (toàn tỉnh tổ chức được 3.312 hội nghị với 82.465 lượt người được quán triệt, học tập). Công tác tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, thông qua báo chí; tuyên truyền miệng; lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ; thông tin lưu động, chiếu bóng vùng cao; thông qua các hội thi, cuộc thi…

Các cấp, các ngành chú trọng công tác giáo dục đời sống gia đình và triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp qua các phương tiện phương tiện thông tin đại chúng, trong các buổi sinh hoạt Đảng, cơ quan, đoàn thể, họp bản, tổ dân phố, câu lạc bộ gia đình, tổ hòa giải, tọa đàm gặp mặt, phản ánh các gương điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững, phát triển kinh tế hộ gia đình… Gắn xây dựng gia đình văn hóa với các phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “gia đình 5 không, 3 sạch”, “gia đình nông dân hạnh phúc”… các hủ tục lạc hậu trong đời sống đồng bào các dân tộc, nhất là việc cưới, việc tang dần được loại bỏ, tỷ lệ tảo hôn giảm. tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa tăng hằng năm (năm 2019 đạt 82,5% tăng trên 26% so với năm 2006).

Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp hoạt động hiệu quả bám sát theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, xây dựng rộng khắp mạng lưới cộng tác viên gia đình ở thôn, xóm, tổ dân phố. Đến nay 8/8 huyện có cán bộ chuyên trách về gia đình, 100% xã, phường, thị trấn có nhân lực làm công tác gia đình; duy trì hoạt động hiệu quả các câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình; nhiều mô hình gia đình văn hóa như “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “Gia đình hiếu học”, “gia đình làm kinh tế giỏi” là gương sáng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ tại khu dân cư. Triển khai chiến lược và chương trình mục tiêu về công tác gia đình được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo thực hiện phù hợp với đặc thù từng địa phương, từng vùng và được xây dựng thành mục tiêu trong chiến lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quan tâm chỉ đạo giải quyết tốt các vấn đề như bạo lực gia đình, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Hằng năm giảm từ 10 -15% hộ gia đình có bạo lực gia đình, có người mắc tệ nạn xã hội; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp phát bảo hiểm y tế, 100% trẻ em phát hiện nhiễm HIV được hỗ trợ dinh dưỡng và điều trị miễn phí; tính đến cuối 2019, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp đạt hơn 80%, 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.

Cùng với đó, công tác phát triển kinh tế hộ gia đình được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp bằng việc bảo đảm kết quả bền vững của chương trình giảm nghèo và tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi gia đình được các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, kế hoạch nhất là chính sách xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất và nghành nghề hỗ trợ nông nghiệp… Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phương thức canh tác, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, cải thiện đời sống kinh tế, tương thân, tương ái và giúp nhau từng bước thoát nghèo vươn lên khá giả. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 3-5%, tính đến cuối 2019 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 20,12%.

Những kết quả trên đã góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác gia đình; hạn chế tình trạng bạo lực gia đình; vai trò và quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội được coi trọng, điều kiện chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ và trẻ em ngày càng được đảm bảo; phòng ngừa tội phạm, củng cố tình làng, nghĩa xóm, đồng thời góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy kinh tế -xã hội của tỉnh từng bước phát triển.

Tuy nhiên, trong thực hiện công tác gia đình vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Công tác giáo dục, truyền thông, tư vấn về gia đình ở một số địa phương còn thiếu linh hoạt. Mô hình các câu lạc bộ gia đình ở cơ sở chưa phát huy hết hiệu quả; đội ngũ tuyên truyền viên về gia đình ở một số địa phương, nhất là vùng xâu, vùng xa chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn; công tác điều tra, lưu trữ, báo cáo dữ liệu quốc gia về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình có nội dung chưa kịp thời; tỷ lệ sinh con thứ ba, trẻ em suy dinh dưỡng, tảo hôn, hôn nhân cận huyết và bạo lực gia đình còn tồn tại….

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, tiếp tục đẩy mạnh công tác gia đình thời gian tới, Tỉnh ủy Lai Châu xác định: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác gia đình; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng về vị trí vai trò của gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quan tâm phát triển kinh tế hộ gia đình; xây dựng gia đình, thôn, bản, xã, phường văn hóa gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia vè xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ gia đình và cộng đồng, tạo điều kiện cho mọi gia đình được tiếp cận kiến thức pháp luật, y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật và phúc lợi xã hội… Tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình câu lạc bộ về gia đình trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp, từng bước kiện toàn cán bộ làm công tác gia đình, nhất là ở cơ sở. Chỉ đạo tổ chức tốt hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc, Ngày gia đình Việt Nam, ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về công tác gia đình. Thường xuyên tổng kết, đánh giá, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các hoạt động về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình các cấp…

Từ những kết quả đã đạt được, kinh nghiệm rút ra sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư; cùng với những giải pháp đã được xác định, nhất định Lai Châu tiếp tục đạt được những kết quả tích cực hơn nữa về công tác xây dựng gia đình trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng tỉnh ổn định và phát triển toàn diện, bền vững./.

 

Tác giả: Lù Thị Phái

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down