Tỉnh ủy Lai Châu

http://laichau.dcs.vn


Thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vì sự phát triển

Nhận thức sâu sắc về Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” cũng như tầm quan trọng của công tác này cho sự phát triển bền vững của tỉnh; những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã xác định việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là công việc không của riêng ai mà trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Công tác xã hội hóa việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh
Trong 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân ngày càng được nâng lên. Cơ sở vật chất dành cho giáo dục được quan tâm đầu tư, xây dựng; số trường đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học ngày càng tăng. Công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ngày càng được cải thiện, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm; trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí; trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ bị nhiễm HIV/AIDS được quan tâm chăm sóc kịp thời. Hoạt động vui chơi, giải trí và các quyền cho trẻ em ngày càng được bảo đảm hơn. Đặc biệt, các chính sách về trẻ em ngày càng được quan tâm thực hiện. Công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát về lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được tăng cường.

Sau 5 năm, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả nổi bật, cụ thể như: Tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm từ 8.726 người (năm 2012) xuống còn 7.256 người (6/2017); trẻ em tử vong do tai nạn thương tích giảm từ 29 người (năm 2016) xuống còn 8 người (tháng 6/2017); trẻ em trong các hộ gia đình nghèo giảm từ 45.373 người (năm 2012) xuống còn 37.034 người (6/2017); Tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi giảm từ 36,5%0 (năm 2012) xuống còn 34,8%0 (6/2017); tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 53,1%0 (năm 2012) xuống còn 51,5%0 (6/2017); tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân giảm từ 26,1% (năm 2012) xuống 21,85% (6/2017); Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học tăng dần qua từng năm, tính đến tháng 6/2017, tỷ lệ trẻ em từ 3-5 tuổi đi mẫu giáo đạt 95,7% (tăng 5,6% so với năm 2012), tỷ lệ trẻ em nhập học Tiểu học tăng 0,4% so với năm 2012 (đạt 99,9%), tỷ lệ trẻ em nhập học THCS đúng độ tuổi tăng 1,1% so với năm 2012 (đạt 98,8%),...

Song, bên cạnh những kết quả đạt được trong 5 năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quyết liệt, thiếu sâu sát trong công tác lãnh chỉ đạo; hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em phát triển chưa rộng khắp; một bộ phận trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa được tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, vẫn tình trạng trẻ em bỏ học ở nhiều bậc học; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại ở một số đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa; việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu, điểm vui chơi cho trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu; Các mô hình bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em còn ít, hoạt động chưa thường xuyên, việc nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn. Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp còn bất cập. Một số địa phương chưa phát huy tốt vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em... Nguyên nhân là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và người dân đối với việc thực hiện các nhiệm vụ về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn hạn chế. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, nhất là giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho trẻ em....
 
2 11 17
Trẻ em được quan tâm giáo dục toàn diện cả trí tuệ, thể chất,
đạo đức, kỹ năng sống...

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh, thời gian tới đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục cụ thể hóa các nội dung Chỉ thị số 20-CT/TW, thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp; sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho trẻ em. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội; huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Tăng cường hoạt động của Quỹ bảo trợ trẻ em các cấp; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chương trình phúc lợi xã hội; ưu tiên nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số. Quan tâm chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ chăm sóc và bảo vệ trẻ em hoạt động thiết thực, hiệu quả; phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường an toàn, thân thiện với trẻ em; tổ chức các diễn đàn, tạo điều kiện và môi trường để trẻ em được tham gia đóng góp những vấn đề liên quan đến trẻ em.../.

Tác giả: Thu Phương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down