Tại buổi tiếp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã giới thiệu khái quát về địa giới hành chính; quá trình hình thành, phát triển; đặc điểm tình hình địa phương cũng như tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Lai Châu; chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới. Đồng chí nhấn mạnh: Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Lai Châu lựa chọn, nuôi trồng các loại cây thích ứng với điều kiện thực tế tại địa phương. Lai Châu đã trồng được 5.300ha cây mắc ca; ngoài ra còn có 8.500ha chè nhưng giao thông, chế biến sâu, thâm canh còn nhiều khó khăn. Lai Châu cũng có thế mạnh về trồng cây dược liệu, tỉnh đang đề xuất với Chính phủ thực hiện đề án thí điểm về nuôi trồng dược liệu dưới tán rừng với việc đáp ứng khoảng 3.000ha diện tích. Tỉnh còn có thế mạnh về cây sâm Lai Châu, đây là loại dược liệu quý hiếm, có hoạt chất chống ung thư cao. Hiện có khoảng 100ha được người dân trồng rải rác trên một số địa bàn.
Do đó rất mong dự án JICA đầu tư thêm để phát triển vùng sâm vì giá trị kinh tế của loại cây trồng này rất cao, góp phần trong xóa đói giảm nghèo cho người dân một cách nhanh chóng. Đồng thời kết nối với các doanh nghiệp chế biến chè vào địa bàn tỉnh để đầu tư, hợp tác, chế biến sâu sản phẩm chè Lai Châu. Nhu cầu được đầu tư là rất lớn và hy vọng những tiểu dự án đã và đang được đầu tư phát huy hiệu quả. Lai Châu cũng là tỉnh dồi dào tiềm năng về du lịch, với 5 ngọn núi cao phù hợp với các loại hình du lịch trải nghiệm, leo núi.
Dự kiến tháng 11/2022 tỉnh sẽ tổ chức lễ hội về sâm Lai Châu, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng mời ông Murooka Naomichi có dịp trở lại để tham dự cùng với tỉnh. Trong tuần tới, Lai Châu cũng diễn ra Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2022, rất vui lòng khi được đoàn công tác tham gia.
Trước khi cảm ơn thịnh tình của tỉnh Lai Châu, ông Murooka Naomichi - Phó Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam đã nhấn mạnh mục đích của chuyến thăm lần này tại tỉnh. Theo đó, Lai Châu là một trong 12 tỉnh phía Bắc của Việt Nam được dự án JICA (Nhật Bản) đầu tư. Dự án “Phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai tỉnh Lai Châu” sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản được tiến hành từ năm 2015 nhưng do trần nợ công cao nên tạm dừng, nay đơn vị đầu tư tiếp tục nối lại.
Ông Murooka Naomichi cho rằng, việc thực hiện đầu tư đã được lãnh đạo 2 Nhà nước gặp gỡ, trao đổi, thống nhất và xem xét tích cực đối với các dự án được đầu tư tại Việt Nam. Việc tái khởi động lại các tiểu nội dung của dự án tại tỉnh sẽ được kiểm tra, nắm bắt nhiều hơn trong thời gian tới. Qua đó làm cơ sở đề xuất với Chính phủ 2 nước tiếp tục chấp thuận chủ trương đầu tư với cơ chế thực hiện các dự án vừa đơn giản, vừa nhanh chóng. Hy vọng trong khoảng 1 năm, dự án sẽ được triển khai.
Đối với các nội dung Chủ tịch UBND tỉnh nêu, ông Murooka Naomichi quan tâm nhất đến vấn đề trồng dược liệu dưới tán rừng vì đây không chỉ tạo thu nhập cho người dân mà còn góp phần chống xói mòn đất, giữ rừng. Núi ở Lai Châu cũng là mối quan tâm hấp dẫn. Với cảnh đẹp, giàu bản sắc, ông khẳng định Lai Châu chắc chắn sẽ thu hút được nhiều du khách đến thăm quan. Mong rằng các tiểu dự án được triển khai tới đây sẽ giúp Lai Châu phát huy được thế mạnh để phát triển hơn nữa. Để đạt được mong muốn đó, 2 bên sẽ tiến hành trao đổi với nhiều hơn để có thêm nhiều dự án được đầu tư thích đáng hơn.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đã tặng đoàn công tác các món quà là các sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu./.