Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Tống Thanh Hải - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, một số sở, ngành và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh…
Nhằm hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 01/7/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; ngày 07/07/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Căn cứ vào Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn triển khai hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; 63/63 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch/quyết định/công văn/hướng dẫn triển khai thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các cấp tại địa phương; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ nói chung và chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động.
Tính đến hết tháng 3/2022, theo báo cáo của các địa phương, có trên 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động trong cả nước, trong đó 47 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho gần 10.000 lao động. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của 14 tỉnh, thành phố đã thẩm định, phê duyệt cho 32 đơn vị, hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho trên 3.200 lao động, kinh phí hỗ trợ trên 13 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg gặp một số khó khăn, vướng mắc như thời điểm triển khai Nghị quyết, Quyết định các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhiều địa phương thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch nên các hoạt động triển khai đào tạo không thực hiện được. Nhiều doanh nghiệp nghỉ do đại dịch Covid-19, không đóng bảo hiểm cho người lao động nên không đủ điều kiện để hưởng chính sách theo quy định đã đưa ra...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu ý kiến về việc khó khăn trong triển khai hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo việc làm cho người lao động; kéo dài thời gian thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương cần đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg để hỗ trợ người lao động. Từ nay đến hết tháng 6/2022, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động, giải quyết dứt điểm các hồ sơ mà người sử dụng lao động đã nộp; tổ chức kiểm tra, giám sát việc đào tạo nghề của các doanh nghiệp đã được phê duyệt; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động và người lao động trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm khi phục hồi và phát triển sản xuất; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động…