Đẩy mạnh cải cách hành chính - Nâng cao chỉ số PCI của tỉnh
Thứ sáu - 03/05/2019 21:169950
Năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Lai Châu xếp thứ 62/63 tỉnh thành trong cả nước, trong đó một số chỉ số thành phần liên quan đến cải cách hành chính đều xếp ở tốp cuối của bảng xếp hạng: Tính minh bạch 48/63; Chi phí thời gian 59/63; Chi phí không chính thức 60/63... Cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới.
Trong thời gian qua cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lai Châu luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được một số kết quả trên các lĩnh vực: Cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách thủ tục hành chính... Năm 2018 đã tập trung và đạt được những kết quả tích cực trên một số nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường công khai minh bạch; cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (đã giảm trung bình 41,35% thủ tục hành chính so với quy định); triển khai áp dụng hệ thống một cửa điện tử, các thủ tục hành chính mức độ 3, 4 đã được người dân, doanh nghiệp tin tưởng và sử dụng, tỷ lệ trả hồ sơ trước và đúng hạn đạt 97,8%. Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được cải thiện.
Chỉ số Quản trị và Hành chính công năm 2018 tăng vượt bậc, từ thứ 63/63 tỉnh thành năm 2017 lên thứ 26 năm 2018. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, có 19/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 8/8 huyện, thành phố, 108/108 xã, phường, thị trấn đã thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành hoạt động quản lý được đẩy mạnh. Công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII được triển khai thực hiện quyết liệt. Năm 2018 toàn tỉnh sắp xếp, giảm được 130 tổ chức, đơn vị; 596 biên chế...
Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính của tỉnh vẫn chưa đạt yêu cầu. Theo đánh giá của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục cấp giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất còn kéo dài. Việc tiếp cận, mở rộng mặt bằng kinh doanh còn gặp khó khăn; việc giải phóng mặt bằng còn chậm. Doanh nghiệp vần còn phải mất nhiều thời gian để giải quyết các thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước và phục vụ các đoàn thanh tra, kiểm tra của tỉnh, trong đó có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra nội dung còn trùng lặp nhau. Một bộ phận cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị chưa thực sự thân thiện trong hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các doanh nghiệp dẫn đến các doanh nghiệp vẫn còn phải đi lại nhiều lần. Các thủ tục hành chính tuy đã đã được chỉ đạo rà soát, đơn giản hóa nhưng chưa được nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn phải chụi nhiều chi phí không chính thức (chi phí ngầm, lót tay...) để thuận lợi trong hoạt động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và làm giảm lòng tin của doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương.
Nguyên nhân của những hạn chế trên đã được các cơ quan chức năng chỉ rõ có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là do: Sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền trong hệ thống chính trị chưa thực sự quyết liệt, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và quản trị - hành chính công; chưa quan tâm đầu tư nguồn lực con người, tài chính, chưa phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong công tác cải cách hành chính. Công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính còn hạn chế. Hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị không được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và chương trình cải cách hành chính hiện nay. Việc giải quyết thủ tục hành chính của một số bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại một số cơ quan, đơn vị chưa tạo được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Việc theo dõi kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính trong toàn bộ hệ thống chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả. Tính liên thông trong xử lý công việc cho tổ chức, cá nhân còn hạn chế, còn quá nhiều khâu trung gian; thực hiện liên thông giữa các cấp hành chính và giữa các cơ quan hành chính còn gặp khó khăn. Quy trình, thủ tục giải quyết các thủ tục liên quan đến các dự án đầu tư theo Luật đầu tư công (đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước) và các dự án đầu tư theo Luật đầu tư (đối với các dự án ngoài ngân sách Nhà nước) còn phức tạp, nhiều bước, nhiều khâu, thời gian xử lý còn dài. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan có lúc, có nơi chưa thật chặt chẽ. Việc phân cấp thẩm định thiết kế - dự toán đối với các dự án sử dụng 100% vốn ngân sách của các huyện, thành phố chưa triệt để.
Từ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trên, để đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được xác định, trong đó tập trung vào một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính đối với sự phát triển của địa phương trong thời gian tới. Cải cách hành chính cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, hợp tác của công dân và doanh nghiệp.
Quan tâm đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cải cách hành chính Nhà nước. Sớm thành lập và đi vào hoạt động Trung tâm phục vụ Hành chính công của tỉnh. Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và đạo đức công vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ này.
Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và phát huy tốt vai trò hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư trên địa bàn.
Thực hiện công khai 100% các khoản phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính, nghiêm cấm tự ý đặt ra và buộc các doanh nghiệp phải nộp các khoản ngoài quy định hoặc tự đặt ra một số điều kiện ràng buộc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà trong khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Thực hiện thanh tra, kiểm tra hằng năm đối với các doanh nghiệp phải đảm bảo khách quan, đúng quy định của pháp luật. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, tránh sự chồng chéo gây phiền hà cho doanh nghiệp. Cần quán triệt và quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, công chức không được lợi dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức vi phạm.
Đẩy nhanh tiến độ quyết toàn vốn đầu tư nhằm tiếp tục giảm bớt thời gian so với hiện nay. Thực hiện kê khai thuế điện tử, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục khai thuế, nộp thuế của doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, tiêu thụ hàng hóa, tham gia các hội chơ, triển lãm, ứng dụng công nghệ mới, liên doanh, liên kết trong sản xuất.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thường xuyên cập nhật, đăng tải các thông tin liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp lên cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử ngành, địa phương, đơn vị; công khai danh mục dự án có đủ điều kiện thực hiện được ngay, tránh tình trạng kêu gọi đầu tư vào các dự án chưa đủ điều kiện thực hiện, gây mất niềm tin của các nhà đầu tư. Thực hiện đối thoại với các doanh nghiệp thường xuyên; chủ động nắm, rà soát và giải quyết dứt điểm các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền được giao. Thường xuyên cập nhật các thông tin về hỗ trợ doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của đơn vị.
Cải cách hành chính là một vấn đề lớn, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, do đó phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy Đảng; sự quản lý điều hành của chính quyền; sự tham gia tuyên truyền, vận động và giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng. Phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, lâu dài gắn với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; tạo sự chuyển biến về nhận thức,trách nhiệm, sự thống nhất và quyết tâm cao trong cả hệ thống chính trị. Thành công của công cuộc cải cách hành chính có ý nghĩa rất quan trọng nhằm cải thiện được môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện và bền vững trong thời gian tới./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế