Hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông
Thứ ba - 17/04/2018 03:134740
Hội nghị được tổ chức sáng 16/4. Tại điểm cầu Trung ương đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì Hội nghị. Các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia kinh tế của các trường đại học, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB)...
Tại điểm cầu của tỉnh, dự Hội nghị có đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương...
Tại Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, chi phí vận tải luôn chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics, cụ thể tỷ lệ này tại các nước như sau: Việt Nam khoảng 59%, Mỹ khoảng 63,6%, Thái Lan khoảng 53,5%. Chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hằng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14 - 16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua. Hiện nay, chi phí logistics của Việt Nam vào khoảng 20 - 21% GDP, đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN. Trong tổng chi phí logistics hiện nay liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải chiếm khoảng 59 - 60%. Theo các chuyên gia, vận tải đa phương thức chưa phát triển, quy mô doanh nghiệp logistics quá nhỏ… Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ logistics còn khá hạn chế và gặp nhiều khó khăn, các tuyến giao thông kết nối với các cảng, nhà ga, sân bay, cảng cạn còn chưa được đồng bộ, đa dạng tương ứng với nhu cầu năng lực của hệ thống… đó là những lý do khiến ngành logistics chưa thể bứt phá.
Tỉnh Lai Châu, việc phát triển các dịch vụ Logistic bước đầu phát triển, khối lượng hàng hóa vận chuyển trong nội địa và giá trị xuất khẩu tiếp tục tăng. Năm 2017, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 4.720 tỷ đồng (tăng 12,65% so với cùng kỳ năm trước); tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa các loại hình qua cửa khẩu, lối mở biên giới của tỉnh đạt 510,3 triệu USD (tăng 243% so với năm trước). Việc phát triển các dịch vụ Logistics đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân, tăng thu cho nguồn ngân sách địa phương và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và khu vực biên giới nói riêng. Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ logistics của tỉnh còn tồn tại một số hạn chế: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và các vấn đề liên quan như an toàn giao thông, quy định tải trọng cầu đường còn nhiều bất cập; việc vận chuyển hàng hóa có duy nhất một phương thức là vận tải đường bộ đã hạn chế nhiều đến hoạt động Logistics. Hệ thống kho, bãi, lưu trữ, xếp dỡ còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển dịch vụ Logistics dẫn đến việc lưu kho của hàng hóa, phương tiện kéo dài làm cho chất lượng hàng hóa giảm sút, chi phí tăng cao…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các Bộ liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam… báo cáo về thực trạng dịch vụ logistics tại Việt Nam. Qua đó, cũng tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tìm các giải pháp để giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần kéo giảm chi phí logistics hiện nay để hoạt động logistics, kinh doanh vận tải thuận lợi, hiệu quả nhất.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời yêu cầu: cần có 1 chương trình hành động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; đào tạo nâng cao nhận thức, chất lượng nguồn nhân lực; Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, các bộ ngành liên quan, các địa phương khẩn trương tiếp thu ý kiến của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải logistics, giảm các thủ tục không cần thiết nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển…/.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế