Ngày 04/7, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành để đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Chỉnh phủ dự và chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Vũ Văn Hoàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Thống kê tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh dự hội nghị.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, 6 tháng đầu năm đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, bình quân 6 tháng tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây; tín dụng tăng trưởng tốt, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tốt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, dự trữ ngoại hối được nâng lên. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi tình hình thời tiết bất lợi và khó khăn trong ngành chăn nuôi lợn, tăng trưởng toàn ngành 6 tháng đầu năm ước đạt 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng trưởng chung. Trong đó điểm sáng là ngành thủy sản, ước tăng 6,45%, đạt mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao; ngành nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, ước tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018; ngành lâm nghiệp tăng 4,15%. Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 duy trì tăng trưởng khá ở mức 9,13%, đóng góp 3,06 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11,18%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn so với mức tăng 6 tháng đầu năm của các năm 2012-2017, đóng góp 2,38 điểm phần trăm. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,78%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2019 duy trì mức tăng trưởng khá với tốc độ 7,85%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,69%, tuy thấp hơn mức tăng 6,89% của 6 tháng đầu năm 2017 và năm 2018 nhưng cao hơn các năm 2012-2016. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,09% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,86 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,9%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,48%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,43%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,89%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.
Động lực tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm tiếp tục được hỗ trợ ở cả phía cung và cầu, trong đó tiêu dùng cá nhân tiếp tục tăng trưởng mạnh, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, nông nghiệp tiếp tục phát triển. Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân tiếp tục được bảo đảm; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin và truyền thông; bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu được tăng cường. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định.
Tại hội nghị này, các đại biểu nghe và thảo luận các nội dung gồm: Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2019; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của các ngành trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội 6 tháng đầu năm nay. Đồng chí nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo điều hành nhất quán của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước những khó khăn, thách thức, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, phát huy hơn nữa tinh thần vượt khó, đổi mới, sáng tạo, chủ động, linh hoạt thích ứng với tình hình quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2019 của cả nước, của từng bộ ngành, của từng địa phương góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm rất nặng nề, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành địa phương từ nay đến hết năm 2019 cần tập trung ngăn chặn đẩy lùi bệnh dịch tả lợn Châu Phi; đẩy mạnh xuất khẩu; làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, kiên quyết xử lý nghiêm đối tượng gây cháy rừng; tập trung phát triển mạnh du lịch; tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư cho mọi vùng miền của Tổ quốc; thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam; chú trọng vào các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu kinh tế; Ban Chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và Chính phủ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, áp dụng đổi mới khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém; rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết; Bộ Kế hoạch đầu tư sớm ban hành kế hoạch quy hoạch; các địa phương phải có kế hoạch thu hút đầu tư, đồng bộ phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường; các bộ ngành, địa phương phải có giải pháp quyết liệt ngăn chặn các tệ nạn xã hội./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế