Chính quyền Lai Châu sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp
Chủ nhật - 26/05/2019 23:441.4610
Đó là lời cam kết của đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại diễn đàn đối thoại doanh nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2019 với chủ đề “Vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp”, ngày 22/5/2019 vừa qua.
Dù còn nhiều khó khăn của tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt phức tạp, xa các trung tâm kinh tế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; xuất phát điểm nền kinh tế thấp, sản xuất nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu, môi trường đầu tư và kinh doanh chưa thuận lợi. Nhu cầu về nguồn vốn đầu tư cho phát triển lớn trong khi khả năng đầu tư của Trung ương và nội lực của tỉnh có hạn. Nhưng Lai Châu có nhiều tiềm năng, lợi thế như: tỉnh có diện tích lớn; chế độ khí hậu trung tính, ôn hòa; một số địa bàn vùng cao trên 1.200 m đến trên 3000 m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ; thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, tỉnh có những cánh đồng mẫu lớn (Mường Than, huyện Than Uyên; Bình Lư, huyện Tam Đường; Mường khoa, huyện Tân Uyên; Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ) với diện tích hàng nghìn ha ; cùng với tiềm năng về rừng có hệ thống thảm, thực vật phong phú, độ che phủ của rừng trên 49% trong đó có nhiều diện tích rừng tự nhiên và nhiều loại dược liệu quý như: sâm, tam thất đen, thảo quả... là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh có hệ thống sông suối dày đặc thuộc hệ thống sông Đà, sông Nậm Mu, sông Nậm Na là tiềm năng phát triển thủy điện và có nguồn tài nguyên nước tương đối sạch, với diện tích mặt nước hàng chục nghìn ha thuộc lòng hồ các công trình thủy điện (Thủy điện Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát...) tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi, trồng thủy sản, gằn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, Lai Châu còn được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên khoáng sản như: các mỏ đất hiếm Đông Pao (huyện Tam Đường), Bắc Nậm Xe và Nam Nâm Xe (huyện phong Thổ) và một số điểm mỏ kim loại màu (vàng, đồng, chì), cùng nhiều mỏ khoáng sản có thể khai thác phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng.
Về thương mại, du lịch, Lai Châu cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế bởi với vị trí địa lý nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa và Điện Biên Phủ; có cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng, cùng nhiều lối mở tiểu ngạch kết nối với thị trường rộng lớn của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), được gắn với khu vực tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh bằng các tuyến quốc lộ 4D, 70, 32 và đường thủy sông Đà. Tỉnh có nhiều đỉnh núi cao trên 3000m, thuộc nhóm các đỉnh núi cao nhất Việt Nam, cùng với đỉnh PhanxiPăng nằm trên gianh giới 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai cao 3.143m, Lai châu còn có các đỉnh Pu Ta Leng (3.096m), thuộc địa phận xã Tả Lèng huyện Tam Đường, được biết đến là đỉnh núi hoang vu và hiểm trở bậc nhất Việt Nam; Pu Si Lung (3.076m), thuộc địa bàn xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè; Bạch Mộc Lương Tử (3.045m) trên địa bàn xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ; Khang Su Văn (hay còn gọi là Hoàng Liên San, cao 3.012m) thuộc địa phận xã Tả Lèng huyện Tam Đường.. Tại những đỉnh núi hùng vĩ này, rừng vẫn nguyên sinh và còn rất nhiều động vật hoang dã sinh sống là điểm thu hút đối với các du khách ưa mạo hiểm, cùng với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: động Tiên Sơn, thác Tác Tình (huyện Tam Đường); động Pusamcap, động Gia khâu (Thành phố Lai Châu); núi đá ô (huyện Sìn Hồ) và hệ thông hồ thủy điện sẽ là những điểm đến hấp dẫn của các du khách...
Để khai thác và phát huy lợi thế đó, những năm qua dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều chính sách, ưu đãi, tạo điều kiện của tỉnh đã thu hút được sự quan tâm đầu tư của một số doanh nghiệp vào một số lĩnh vực và đạt được những kết quả tích cực. Đến hết quý I/2019 Lai Châu đã thu hút được 199 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 110.717 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực nông - lâm nghiệp 23 dự án với 4.061 tỷ; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng 123 dự án với 104.267 tỷ và lĩnh vực thương mại, du lịch 53 dự án với 2.389 tỷ đồng. Qua đó, đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và khá toàn diện trên các lĩnh vực, Lai Châu đã từng bước ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (năm 2010), tình trạng kém phát triển (năm 2015) và đang quyết tâm phấn đấu thành tỉnh trung bình khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2020.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào Lai Châu chưa đạt được như mong muốn và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào địa bàn. Nguyên nhân của vấn đề này đã được chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh đánh giá, chỉ rõ: bên cạnh nguyên nhân khách quan do điều kiện của tỉnh miền núi, nhiều khó khăn, cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan. Trong đó, theo đánh giá của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục cấp giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất còn kéo dài. Việc tiếp cận, mở rộng mặt bằng kinh doanh còn gặp khó khăn; việc giải phóng mặt bằng còn chậm. Doanh nghiệp vần còn phải mất nhiều thời gian để giải quyết các thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước và phục vụ các đoàn thanh tra, kiểm tra của tỉnh, trong đó có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra nội dung còn trùng lặp nhau. Một bộ phận cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị chưa thực sự thân thiện trong hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các doanh nghiệp dẫn đến các doanh nghiệp vẫn còn phải đi lại nhiều lần. Các thủ tục hành chính tuy đã đã được chỉ đạo rà soát, đơn giản hóa nhưng chưa được nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn phải chụi nhiều chi phí không chính thức, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và làm giảm lòng tin của doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương.
Để khắc phục tình trạng trên, tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư mới đến với Lai Châu và các nhà đầu tư đang sản xuất, kinh doanh tại Lai Châu tiếp tục mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, liên doanh, liên kết đầu tư vào các lĩnh vực khác. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chủ trương, chính sách nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định: tỉnh sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp đến với Lai Châu và yên tâm đầu từ vào Lai Châu, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Điều đó được thể hiện rất rõ tại diễn đàn đối thoại doanh nghiệp năm 2019 vừa qua, dưới sự chủ trì của các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh, trực tiếp nghe, đối thoại với doanh nghiệp, cho chủ trương và chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư tại tỉnh và tiếp thu những ý kiến tham gia góp ý của cộng đồng doanh nghiệp; động viên Ban vận động thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ra mắt và chính thức đi vào hoạt động.
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã xác định những hành động cụ thể: Tiếp tục điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp; chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành trong tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; tiếp tục gặp gỡ, đối thoại để nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để các doanh nghiệp quan tâm đến Lai Châu. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, trọng tâm là: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; sớm thành lập và đi vào hoạt động Trung tâm phục vụ Hành chính công của tỉnh; phát huy tốt vai trò hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; thực hiện công khai các khoản phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính; khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo gây phiền hà cho doanh nghiệp; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và đạo đức công vụ, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp.
Bằng những hành động cụ thể, thiết thực trên, chắc chắn trong thời gian tới tỉnh Lai Châu sẽ thu hút được các doanh nghiệp đến đầu tư; khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế