Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với điểm cầu 15 tỉnh, thành phố. Chủ trì Hội nghị điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN&MT. Lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương dự.
Điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Hà Trọng Hải – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan dự Hội nghị.
Tại Hội nghị đã triển khai 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ gồm: Quyết định 924/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 về phê duyệt Chương trình chuyển đổi trong xây dựng mới, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 924) và Quyết định 925/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 về phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định 925).
Quyết định 924 có mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 90% hồ sơ công vụ cấp trung ương, cấp tỉnh, 80 hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 50-80% số xã trở lên đạt chuẩn về các chỉ tiêu thông tin và truyền thông, hành chính công. Ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn tiêu chí về an ninh trật tự - hành chính công về huyện NTM. Ít nhất 70% số xã có hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số…
Đối với Quyết định số 925 đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Ít nhất 50% số hộ được triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý. Ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường. 95% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; 100% chất thải rắn, 50% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý…
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu nêu rõ thực trạng cũng như khó khăn trong vấn đề xử lý nước sạch, nhiễm môi trường, chất thải, rác thải nông thôn; giới thiệu một số cách làm hay, mô hình hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, nguồn nước, xử lý rác thải. Qua đó đề xuất các giải pháp xử lý mang tính trước mắt cũng như căn cơ, lâu dài để hướng tới xây dựng NTM thông minh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, các đồng chí: Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN&MT hoan nghênh ý kiến tham gia của các đại biểu, nêu lên những mô hình, giải pháp hay mang tính phổ biến rộng rãi. Các đồng chí yêu cầu trong thời giới cần xác định vấn đề bảo vệ môi trường là một trong 3 trụ cột quan trọng là phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Các địa phương cần chỉ đạo cơ sở thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải tại nguồn; thực hiện phương châm rác thải là nguồn tài nguyên có thể tái chế; xử lý phế phẩm nông nghiệp thành các tài nguyên tái tạo. Cấp tỉnh không giao khoán cho cấp huyện xã mà cần thực hiện quy hoạch xử lý rác thải.
Tăng cường công tác quản lý các nguồn nước thải trong sản xuất, chăn nuôi, làng nghề; có chính sách thu hút các nhà đầu tư khai thác nguồn nước ở khu vực miền núi. Hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường cho sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường. Khoanh vùng xử lý khu vực ô nhiễm như: bãi rác, bãi chôn lấp, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư, trung ương sẽ bố trí kinh phí cho các địa phương thực hiện. Cải thiện cảnh quan môi trường nông thôn, môi trường sống, xây dựng các khu du lịch sinh thái, thay đổi kiến trúc không gian, bảo vệ đa dạng sinh học. Phối hợp tốt với các bộ, ban, ngành thực thi tốt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Về vấn đề nước sạch, các vùng đặc thù bị ngập mặn cần xây dựng các mô hình tích trữ nước ngọt, nước mưa trong cộng đồng. Tuyên truyền xây dựng các tổ giám sát cộng đồng và thí điểm chợ về an toàn thực phẩm. Những giải pháp trên cần huy động tối đa sức dân và sự định hướng chỉ đạo của chính quyền địa phương./.