Tiếp và làm việc với Đoàn về phía tỉnh Lai Châu có đồng chí Tống Thanh Hải - UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và UBND huyện Tam Đường.
Thông tin tới Đoàn công tác, lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành liên quan đã khái quát những tiềm năng nổi trội của tỉnh cũng như những dự định, kế hoạch đầu tư trên địa bàn trong thời gian tới.
Theo đó, Lai Châu là tỉnh có tiềm năng đất hiếm, đã ghi nhận 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm với tổng diện tích 2.779,4ha; tổng trữ lượng, tài nguyên tính được là trên 13,3triệu tấn TR2O3 gồm: Mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường); mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Thèn Thầu (xã Nậm Xe) và xã Bản Lang (huyện Phong Thổ). Tổng trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 21 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện tại việc khai thác, chế biến đất hiếm đang gặp khó khăn.
Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác trân trọng cảm ơn lời mời của tỉnh Lai Châu; cảm nhận Lai Châu là mảnh đất đẹp và thời tiết dễ chịu.
Tiến sĩ Jin Young Lee - Phó Viện trưởng Viện Khoa học ĐC&KS Hàn Quốc cho biết, hiện nay đất hiếm đối với ngành công nghiệp đang cần thiết, trong khi đó nguồn cung không nhiều. Do vậy, mục đích của chuyến thăm và làm việc lần này nhằm khảo sát chuỗi cung ứng đất hiếm và hi vọng sẽ thiết lập được chuỗi cung ứng mới giữa Lai Châu (Việt Nam) và Hàn Quốc trong tương lai. Sau khi khảo sát mỏ đất hiếm Đông Pao, Đoàn công tác đã có thông tin cần thiết và rất mong muốn được hợp tác khai thác với Lai Châu.
Các thành viên trong Đoàn công tác cũng thông tin, hiện Hàn Quốc đang triển khai nhà máy chế biến nam châm tại tỉnh Quảng Nam, đã tiến hành ký hợp đồng xây lắp và hướng dẫn nhà đầu tư. Theo kế hoạch sẽ đưa vào hoạt động vào đầu năm 2024. Để có nguồn nguyên liệu đất hiếm để phục vụ cho quá trình hoạt động, các công ty, doanh nghiệp rất hào hứng được triển khai sớm để thực hiện đầu tư tại các mỏ đất hiếm tại Lai Châu. Đồng thời mong nhận được sự hỗ trợ cấp phép đầu tư thông qua việc hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục cần thiết. Cam kết sẽ mang công nghệ hiện đại đến khai thác tại Lai Châu.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác 2 bên đã trao đổi thông tin về việc dự kiến xây dựng xưởng sản xuất thử nghiệm tại huyện Tam Đường; tổ chức chế biến đất hiếm. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh Lai Châu sẽ tham mưu cho tỉnh để tạo điều kiện cho dự án sớm đi vào hoạt động. Chia sẻ thêm thông tin về thị trường đất hiếm trên thế giới; tìm hiểu về công nghệ thủy điện để bảo vệ môi trường.
Khẳng định chuyến khảo sát của đoàn công tác mở ra nhiều cơ hội đối với tỉnh Lai Châu, đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, mỏ đất hiếm ở Lai Châu nếu không được khai thác sẽ rất lãng phí và tác động đến vấn đề môi trường. Do đó, đối với những mỏ được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp phép, tỉnh ủng hộ chủ trương khai thác.
Sau buổi làm việc này, tỉnh giao cho các ngành liên quan xử lý trong thời gian nhanh nhất, đúng theo quy định pháp luật. Đề nghị đơn vị được giao khai thác hợp tác chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp của Hàn Quốc bàn bạc, thống nhất trách nhiệm từng bên trên cơ sở hợp tác 2 bên cùng có lợi. Trong đó đánh giá tác động môi trường để xây dựng xưởng chế biến thử nghiệm. Sở TN-MT phối hợp cơ quan liên quan đánh giá tác động môi trường trong thẩm quyền cho phép. Các bên khẩn trương tiến hành trao đổi, nếu phát hiện vướng mắc cần tìm giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ hợp tác.
Trước đó, Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Mỏ đất hiếm Đông Pao./.