Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo các đơn vị được giao làm Chủ đầu tư: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy; Sở Thông tin và Truyền thông; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình: Giao thông, Dân dụng và Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố... dự Hội nghị.
Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp ưu tiên, quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 nghị quyết, 4 công điện, 7 văn bản và tổ chức 2 Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thành lập Tổ công tác trong từng cơ quan, đơn vị để trực tiếp theo dõi các dự án lớn, trọng điểm, thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc quá trình triển khai dự án.
Tính đến ngày 23/9/2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 508.362,783 tỷ đồng, đạt 93,8% kế hoạch; trong đó vốn trong nước đạt 93,4% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 98,7% kế hoạch.
Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 30/9 là 253.148,12 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch. Cả nước có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch.
Trong 9 tháng đầu năm, việc ban hành chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được những kết quả nhất định. Trung ương đã ban hành 118 văn bản; 51/63 địa phương đã ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; 5/63 địa phương tự cân đối ngân sách đã ban hành quy định phân bổ vốn ngân sách Nhà nước; 13/63 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia…
Tính đến ngày 23/9 có 47/52 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc. Trong đó có 29/52 địa phương đã phân bổ, giao 100% kế hoạch vốn được giao, 10/52 địa phương giao trên 90% kế hoạch, còn lại đã giao được trên 70% kế hoạch.
Đối với tỉnh Lai Châu, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 là 2.859,4 tỷ đồng. Tính đến 15/9/2022 đã giải ngân được 40,2% kế hoạch được giao. Tỉnh cũng đã hoàn thành giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cho các đơn vị, địa phương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu các ý kiến trong đó nêu rõ về những khó khăn, vướng mắc, làm rõ những nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, từ đó đề xuất những giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh về nhiệm vụ đột xuất trước mắt là phòng, chống cơn bão Noru sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh miền Trung. Theo đó đồng chí đề nghị các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão Nora cần theo dõi sát diễn biến cơn bão, tập trung chống bão, khắc phục hậu quả sau bão; đồng chí đánh giá cao sự chuẩn bị các nội dung tại Hội nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ý kiến thảo luận của đại biểu, biểu dương các đơn vị, địa phương đã làm tốt việc giải ngân, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của giải ngân vốn đầu tư công đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đơn vị, địa phương với quyết tâm, nỗ lực cao nhất, làm việc với tinh thần “Tất cả vì quốc gia, dân tộc, vì Nhân dân”, làm việc với phương châm hết việc chứ không phải hết giờ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm pháp luật về đầu tư công, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án; tăng cường kiểm tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục về đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công; …