Dự cuộc họp còn có đồng chí Hà Trọng Hải - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; Thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Trưởng các phòng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kinh tế và Hạ tầng, Tài chính - Kế hoạch các huyện; Trưởng các phòng: Kinh tế, Quản lý đô thị, Tài chính - Kế hoạch thành phố Lai Châu.
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số đợt thiên tai (01 đợt rét đậm, rét hại; 07 đợt mưa đá, dông, lốc, mưa lớn) đã gây thiệt hại đến người và tài sản của Nhà nước, Nhân dân. Cụ thể: 02 người chết; 01 người bị thương; 759 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; 15,34ha lúa, 14ha hoa màu, 12,26ha cây trồng lâu năm, 19,6ha cây trồng hằng năm, 4,86ha cây ăn quả tập trung bị gẫy, dập; 04 công trình Thủy lợi bị hư hỏng, 05 điểm trường, phòng học bị ảnh hưởng một phần; một số tuyến đường giao thông bị sạt, lở gây tắc nghẽn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông... tổng thiệt hại ước tính trên 4 tỷ đồng.
Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các sở, ngành và các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện: UBND tỉnh đã ban hành 12 văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác phòng chống thiên tai; các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ các lực lượng, chỉ đạo kịp thời, đồng bộ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác PCTT&TKCN; tổ chức cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở; tập trung lực lượng, chủ động huy động mọi nguồn lực kịp thời tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; lập kế hoạch tổ chức diễn tập PCTT&TKCN năm 2024…
Thảo luận tại cuộc họp, đại biểu tập trung vào các nội dung: Phương pháp vận hành công tác PCTT&TKCN các cấp; việc xử trí tình huống trong từng cấp độ; quy chế hoạt động của ban chỉ huy các cấp trong đó làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của thành viên ban chỉ huy và các cơ quan thường trực; thực hiện nhiệm vụ công tác cứu hộ, cứu nạn với những đặc thù của từng đơn vị; chế độ làm việc, chế độ trực sẵn sàng; việc sử dụng kinh phí dự phòng; các kiến nghị, đề xuất…
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh nhấn mạnh, công tác PCTT&TKCN đã được thực hiện nhiều năm và đã có nhiều quyết tâm, cố gắng, trách nhiệm. Tuy nhiên quá trình làm cần phải thực hiện bài bản hơn, có hiệu quả hơn trong 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo.
Đề nghị các thành viên ban chỉ huy, cơ quan thường trực ban chỉ huy tiếp tục nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo của các cấp để tránh xảy ra sai sót; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; công tác kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ mất an toàn để xây dựng phương án. Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của các sở, ngành, địa phương trong việc ra các văn bản tổ chức chỉ đạo thực hiện. Chú trọng công tác cảnh báo, dự báo, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm chủ động trong phòng chống thiên tai đến người dân.
Về phương án, các cấp, các ngành chủ động xây dựng hoàn chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Phải nhận định, dự báo, diễn biến tình hình, trên cơ sở đó xây dựng phương án ứng phó phù hợp…