Là tỉnh miền núi biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; dân số trên 48 vạn người với 20 dân tộc sinh sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số trên 84%, trình độ dân trí, nhận thức không đồng đều, một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Đảng, Nhà nước… đã có tác động đến triển khai chính sách BHYT của tỉnh. Xác định BHYT là một bộ phận quan trọng trong chính sách tài chính y tế quốc gia tạo nguồn tài chính cho hoạt động chăm sóc sức khoẻ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả Chỉ thị 38-CT/TW; chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ hướng dẫn và tổ chức việc quán triệt, học tập; các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp.
Đưa chỉ tiêu BHYT vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, XIII và XIV đều xác định “thực hiện tốt chính sách BHYT”; nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo bền vững, Đề án nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở giai đoạn 2016-2020 của Tỉnh ủy xác định phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ dân số của tỉnh tham gia BHYT đạt trên 96%. Giai đoạn 2021-2025 thực hiện theo chỉ tiêu tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao, phấn đấu đến năm 2025, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 98%. HĐND tỉnh ban hành 5 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 62 văn bản liên quan đến công tác BHYT; 100% huyện ủy, thành ủy và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, đề án thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW.
Hoạt động thông tin, tuyên truyền với sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành BHXH với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng như thông qua các hội nghị, cuộc họp, lớp tập huấn đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thường xuyên củng cố và tổ chức tốt hoạt động của cộng tác viên, tuyên truyền viên, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác tuyên truyền. Các cơ quan chức năng cập nhật đầy đủ, kịp thời các văn bản về BHYT, đăng tải trên trang thông tin điện tử của ngành bảo hiểm. Hằng năm có trên 360 tin bài, phóng sự, chuyên mục, tọa đàm được đăng tải, phát sóng trên truyền hình và các loa phát thanh tại các xã, bản, thị trấn; các tổ chức dịch vụ thu (Bưu điện, Viettel...) tích cực tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia; tuyên truyền theo nhóm, tư vấn, vận động trực tiếp chính sách BHYT tại xã, phường, thị trấn (400 lượt/1 năm). Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng internet, mạng xã hội như fanpage, zalo thuộc cơ quan BHXH; qua các ấn phẩm tuyên truyền như pano, khẩu hiệu, áp phích, tranh cổ động, tờ rơi, tờ gấp, sách cẩm nang...
Bộ máy quản lý nhà nước về BHYT được quan tâm xây dựng và hoạt động. Các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT. Hằng năm giao chỉ tiêu số người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đối với các địa phương. Chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng, giảm tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT; quản lý và sử dụng quỹ BHYT đúng quy định, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia khi đi khám chữa bệnh. Tổ chức các hội nghị giao ban giải quyết các khó khăn vướng mắc đồng thời chấn chỉnh các sai sót phát hiện trong quá trình giám định, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh.
Đội ngũ viên chức làm công tác giám định BHYT được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nâng cao ý thức trách nhiệm, quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức; thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật các chính sách tập huấn nghiệp vụ về giám định. Số lượng, chất lượng đội ngũ viên chức lao động làm công tác giám định BHYT từng bước được nâng lên, năm 2009, toàn tỉnh có 13 giám định viên, trong đó: 05 có trình độ đại học, 05 có trình độ về y, dược (y sĩ: 03; bác sĩ: 02). Đến 31/12/2023, toàn tỉnh có 25 giám định viên có trình độ đại học (bác sĩ: 04, dược sĩ: 01). Quy trình giám định được đổi mới từ thực hiện giám định riêng lẻ, thủ công sang 100% hồ sơ bệnh án chuyển giám định tập trung theo tỷ lệ, giám định theo chuyên đề.
Công tác khám, chữa bệnh BHYT được triển khai hiệu quả cùng với phát triển mạng lưới khám chữa bệnh BHYT ở các tuyến; sự tham gia của y tế tư nhân trong khám chữa bệnh BHYT. Tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực cho các cơ sở khám chữa bệnh. Thực hiện tốt Chương trình của Bộ Y tế về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh vì mục tiêu đáp ứng sự hài lòng của người bệnh BHYT. BHXH tỉnh ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với các cơ sở khám chữa bệnh để thực hiện khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT tại các cơ sở BHYT công lập tuyến tỉnh, huyện và tuyến cơ sở. Chú trọng cải cách thủ tục hành chính trong tổ chức khám chữa bệnh BHYT được chú trọng; giáo dục nâng cao y đức để thầy thuốc không có thái độ phân biệt ứng xử đối với bệnh nhân BHYT, không lạm dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật hoặc gian lận, trục lợi quỹ BHYT. Đến nay, 120/120 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT.
Điểm nổi bật trong thực hiện công tác BHYT của tỉnh là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, đã tác động đến tỷ lệ bảo hiểm y tế của tỉnh (Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2020 đạt 96,8% giảm xuống còn 80% vào năm 2021). HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND, ngày 13/7/2023 về Quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh đã tăng (hiện nay đạt trên 90,2%), đã góp phần quan trọng để Nhân dân các dân tộc trên địa bàn có điều kiện khám, chữa bệnh được tốt hơn.
Có thể thấy, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW, các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh đã nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHYT; công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện được cấp ủy, chính quyền các tăng cường từ đó cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia; mức độ hài lòng của các tổ chức, cá nhân về quy trình, thủ tục trong đăng ký tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách về khám chữa bệnh BHYT từng bước được nâng lên, tạo niềm tin của Nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT, góp phần thu hút và tăng số người tham gia BHYT.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác BHYT của tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định: Tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh cơ bản đạt chỉ tiêu được giao, tuy nhiên còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững, phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác. Nhận thức của một bộ phận người dân về lợi ích, ý nghĩa của chính sách BHYT còn hạn chế, do vậy việc khai thác đối tượng tham gia BHYT còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng khám chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở một số nơi chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cán bộ, công chức cấp xã phụ trách công tác BHYT tại một số đơn vị trình độ còn hạn chế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người tham gia BHYT trên địa bàn triển khai còn chậm.
Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác BHYT thời gian tới, tỉnh Lai Châu xác định triển khai vận dụng hiệu quả, phù hợp các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác BHYT trong tình hình mới; sáng tạo trong vận dụng chính sách, huy động các nguồn lực để ban hành các chính sách đặc thù của địa phương để công tác BHYT của tỉnh tiếp tục được thực hiện hiệu quả; đảm bảo các điều kiện khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe góp phần hiệu quả vào thực hiện chính sách an sinh xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển nhanh, ổn định và bền vững đối tượng tham gia BHYT đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đơn vị đề ra. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra cấp ủy các cấp trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác BHYT./.
Tác giả: Vũ Võ