Theo báo cáo, sau 03 tháng vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, có 11/22 bộ, ngành, 62/63 địa phương, 03 tập đoàn, ngân hàng thương mại đã tích hợp đăng nhập một lần; 17/22 bộ, ngành và 60/63 địa phương bố trí máy chủ bảo mật SS; 14/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ tra cứu, giám sát, đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Tính đến ngày 11/3/2020 có hơn 2,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái.
Tính từ thời điểm khai trương (ngày 9/12/2020), mới chỉ đưa vào triển khai 08 nhóm dịch vụ công, đến nay các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia 161 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; có 13.681 hồ sơ trực tuyến được thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 02 dịch vụ công có số lượng hồ sơ trực tuyến lớn là thông báo hoạt động khuyến mại (9.246 hồ sơ) và đổi giấy phép lái xe (gần 3.000 hồ sơ). Đã chuẩn hóa, công khai 6.956 thủ tục hành chính, trong đó cắt giảm, bãi bỏ 544 thủ tục hành chính hết hiệu lực, trùng lặp so với trước; đã xây dựng, chuẩn hóa, cập nhật hơn 10.000 câu hỏi và trả lời các vướng mắc thường gặp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số hạn chế như: còn 12 bộ, ngành và tỉnh chưa hoàn thành việc tích hợp đăng nhập một lần; một số bộ, ngành và tỉnh chưa bố trí máy chủ bảo mật, thực hiện đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; vẫn còn tình trạng từ chối hồ sơ ký số hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ không rõ lý do; chậm xử lý kỹ thuật đường truyền; một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm để thực hiện tiếp nhận, xử lý các hồ sơ trực tuyến…
Tại hội nghị đã công bố 11 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia và ra mắt Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Theo đó, mục tiêu của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ là đổi mới, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong công tác tham mưu, tổng hợp, báo cáo, góp phần chuyển đổi phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số được tổng hợp, phân tích theo thời gian thực, hiển thị trực quan thông qua các hệ thống thông tin, bảng hiển thị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả đạt được khi đưa Cổng dịch vụ công quốc gia vào hoạt động nhất là việc nộp phạt vi phạm giao thông, kê khai thuế, nộp thuế qua mạng, tạo môi trường hành chính minh bạch, giảm được thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình; tập trung rà soát việc thực hiện; tiếp tục chuẩn hóa thông tin trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh thanh toán phí, lệ phí, thuế trực tuyến; đảm bảo thông suốt hoạt động của Cổng và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng; các, bộ, ngành địa phương khẩn trương hoàn thành Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.../.