Xuất phát từ vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng về xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 864-QĐ/TU, ngày 16/01/2019 thành lập Tổ nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học "Xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc tỉnh Lai Châu, thực tiễn sau 15 năm chia tách, thành lập (2004-2019) nhằm khái quát, tổng kết, đánh giá thực tiễn của Đảng bộ tỉnh trong quá trình lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Từ đó, đề xuất những luận điểm khoa học, bài học kinh nghiệm, nhiệm vụ và giải pháp thiết thực trong việc xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, tổ nghiên cứu đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá thực trạng xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn các huyện, thành phố; tổ chức điều tra khảo sát bằng 1.000 phiếu điều tra xã hội học (8 huyện, thành phố; 18 xã, phường, thị trấn; 54 thôn bản, tổ dân phố; 6 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; 16 cơ quan đơn vị cấp huyện và 20 dân tộc trên địa bàn tỉnh); đã thực hiện nghiên cứu 8 báo cáo chuyên đề và tổ chức 3 hội nghị tham gia góp ý kiến.
Tại hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến làm rõ các vấn đề lý luận, phân tích, đánh giá làm sáng tỏ hơn về thực trạng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh từ năm 2004 đến nay; dự báo tình hình những thuận lợi và khó khăn, nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục xây dựng, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo… Đồng thời, đề nghị tổ nghiên cứu cần sắp xếp, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Chu Lê Chinh - UVBTVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy nhấn mạnh: hội thảo có nhiệm vụ đánh giá thực trạng, bài học kinh nghiệm về xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong 15 năm qua và đề ra các nhiệm vụ giải pháp tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong giai đoạn tới; sự tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo là cơ sở giúp tổ nghiên cứu tiếp thu, bổ sung hoàn chỉnh dự thảo đề tài. Đề tài khoa học sẽ là cơ sở giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, công tác hoạch định chính sách, ban hành chính sách nói chung và chính sách đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh nói riêng tiếp tục phát huy, đóng góp quan trọng vào sự phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh trong giai đoạn tới./.