Không chỉ những doanh nghiệp, hợp tác xã vừa và nhỏ, Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải, một trong những doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh hiện nay, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xây dựng, có tổng vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng cũng gặp nhiều khó khăn về cơ chế hoạt động cũng như huy động các nguồn vốn để tái đầu tư. Ngoài lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình giao thông, cầu đường, kinh doanh vật liệu xây dựng, xăng dầu và khoáng sản, thời gian qua công ty đã bắt đầu vươn sang lĩnh vực mới là xây dựng nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Hiện công ty đang thi công 3 công trình thủy điện trên địa bàn, với tổng công xuất lắp máy trên 120MW, vì vây cần rất nhiều vốn để đầu tư. Mấy năm qua, nền kinh tế đất nước gặp khó khăn nên doanh nghiệp cũng không mấy khấm khá.
Ông Hoàng Quyền, Phó Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải cho biết: Thời gian qua không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giải thể vì cơ chế chính sách của Trung ương và địa phương thắt chặt dẫn đến thiếu vốn để tái xản xuất, kinh doanh. Đầu tư thủy điện là đầu tư lâu dài, cần nguồn vốn rất lớn. Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải cũng như nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thời gian qua gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng trên địa bàn. Ngoài gặp khó về vốn, nhiều công trình xây dựng dân dụng, đường giao thông của đơn vị thi công trên địa bàn tỉnh thi công và đã bàn giao đưa vào sử dụng nhiều năm nay nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán vốn cho nhà thầu. Chúng tôi đã được một số ngân hàng hộ trợ cùng đồng hành, nhưng mà cũng có lúc đáp ứng không kịp thời, cho nên tiến độ công trình bị ảnh hưởng. Về cơ chế độ chính sách cho người lao động, nhất là tiền lương tối thiểu đến nay vẫn chưa được áp vào giá của các công trình thi công năm 2014 nên Công ty khó thực hiện.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, khai thác khoáng sản… Tuy nhiên, số doanh nghiệp còn hoạt động hiện nay ước tính chỉ khoảng 1/3, điều đó đồng nghĩa với việc có một lượng lớn doanh nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc đang “chết yểu”. Với tình hình kinh tế đất nước khó khăn thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên địa bàn tỉnh cho rằng mình gặp không ít trắc trở, nhất là việc tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng trên địa bàn. Không phải ngân hàng gây khó dễ cho các doanh nghiệp, đó là khẳng định của đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh. Thực tế đã chứng minh, hiện nay các ngành ngân hàng trên địa bàn đã đầu tư cho nền kinh tế trên 12.000 tỷ đồng; trong đó khối các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, ngân hàng phát triển là hơn 5.000 tỷ đồng. Hiện có hơn 300 doanh nghiệp trong tỉnh đang có quan hệ tín dụng với các ngân hàng, với tổng dư nợ hơn 6.000 tỷ đồng.
Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thị Minh Huệ, TUV, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Lai Châu cho biết: Mặc dù nguồn vốn huy động tại địa phương chỉ chiếm khoảng 50% tổng số đầu tư cho nền kinh tế, nhưng các ngân hàng trên địa bàn đều huy động đủ khả năng cho các thành phần kinh tế trong tỉnh vay. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thời gian vừa qua năng lực tài chính, quản trị điều hành yếu kém nên không đủ điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng. Hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Lai Châu sẽ bám sát sự chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cấn vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển. Trong đó, tăng cường điều tiết vốn về cơ sở, hướng mạnh về nông dân nông thôn, đặc biệt là hướng mạnh về khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực
nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước và các ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Tại các buổi đối thoại, UBND tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước và đại diện các ngân hàng đã từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách. UBND tỉnh khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, đồng thời yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu về hành lang pháp lý để tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách thu hút đầu tư đặc thù của địa phương, nhằm mời gọi các doanh nghiệp đến với tỉnh. Trong đó, yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn tạo mọi điều kiện về nguồn vốn cho các doanh nghiệp hoạt động.
Đồng chí Nguyễn Chương, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh hy vọng được nghe nhiều ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh ở đơn vị mình. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ hướng dẫn, giải thích để tạo điều kiện hành lang pháp lý để các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh phát triển tốt hơn. Với trách nhiệm điều hành quản lý nhà nước, thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và tham mưu của các sở ngành để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp hiện nay. Mong muốn của UBND tỉnh là các doanh nghiệp có điều kiện phát triển tốt nhất, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Sự vào cuộc của UBND tỉnh Lai Châu bằng các giải pháp chỉ đạo, điều hành thiết thực, hiệu quả đối với các sở, ngành và sự chủ động liên kết, tạo điều kiện của ngành ngân hàng sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp “hồi sinh”. Đây là tín hiệu vui đối với nền kinh tế của tỉnh, bởi chỉ khi doanh nghiệp phát triển thì kinh tế, xã hội mới phát triển./.