Phát huy tiềm năng, thế mạnh trong tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững

Chủ nhật - 07/12/2014 02:31 673 0
Ngày 30 tháng 10 năm 2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1406/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là Đề án quan trọng nhằm tạo bước đột phá, khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Ngày mùa trên cánh đồng Tả Lèng - Tam Đường (ảnh: KK)
Ngày mùa trên cánh đồng Tả Lèng - Tam Đường (ảnh: KK)
Nông nghiệp có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế, với 5 chức năng là: chuyển giao lao động, cung cấp nhu yếu phẩm, thu xuất khẩu, tích lũy tiết kiệm, tạo thị trường nội địa cho hàng hóa sản xuất trong nước nói chung và của từng địa phương nói riêng. Tái cơ cấu nông nghiệp là: sắp xếp, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích... Đặc biệt là đối với Lai Châu, một tỉnh nông nghiệp, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 80% lực lượng lao động toàn tỉnh, có tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, với tổng diện tích tự nhiên là 906.878 ha, bình quân 2,2 ha/người, gấp 6 lần bình quân chung cả nước. Trong đó, có 93.000 ha đất đang trồng cây nông nghiệp; 409.000 ha đất đã có rừng và cây đa mục đích và còn khoảng trên 300.000 ha đất trống, đồi núi trọc có thể khai thác để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn có 16.500 ha diện tích mặt nước, trong đó 15.800 ha mặt nước các hồ thủy điện thuận lợi cho phát triển thủy sản. Và với đặc điểm khí hậu được phân chia 3 đới khí hậu rõ rệt: Đới khí hậu nóng ẩm là vùng có độ cao dưới 600m (so với mặt nước biển), rất thích hợp cho các loại cây trồng nhiệt đới; Đới khí hậu mát ẩm là vùng có độ cao từ 600m đến 1000m, thích hợp với các cây trồng á nhiệt đới (chè, mắc ca...); Đới có khí hậu ôn đới là vùng có độ cao từ 1000m trở lên, thích hợp với các cây trồng ôn đới (rau, hoa, quả, dược liệu quý...), tạo cho Lai Châu có nhiều tiếm năng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đa dạng và có chất lượng cao.

Những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp, đạt được nhiều kết quả quan trọng, sản lượng lương thực (cây có hạt) tăng nhanh, từ 110.000 tấn năm 2004 lên 187.000 tấn năm 2014; đã hình thành một số vùng cây công nghiệp quy mô lớn (vùng chè tập trung 3.400 ha; 12.000 ha cây cao su đại điền, gần 300 ha cây ăn quả và cây trồng có giá trị kinh tế cao khác...). Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì sản xuất nông nghiệp của Lai Châu chưa tương xứng với tiềm năng và còn nhiều yếu kém. Nền nông nghiệp còn lạc hậu, môi trường rừng bị suy thoái nghiêm trọng, hiệu quả sử dụng đất thấp. Nhiều nơi vẫn sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, quảng canh, manh mún, phân tán, năng suất, hiệu quả thấp; chưa hình thành được sản phẩm hàng hóa có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế...
 
2 12 14
Cánh đồng chè Tân Uyên (ảnh: TT)

Để tạo bước đột phá, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong sản xuất nông nghiệp, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngày 30/10/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1406/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án được ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển nền nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn mới, phù hợp với chủ trương về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều này được thể hiện rõ trong 5 quan điểm của Đề án, trong đó quan điểm thứ 2 nhấn mạnh: Tái cơ cấu nông nghiệp phải theo hướng kinh tế thị trường, nghĩa là phát triển sản xuất nông nghiệp phải phù hợp nhu cầu thị trường, do thị trường điều phối và quyết định, tránh tình trạng phát triển theo ý chí chủ quan hoặc chạy theo phong trào; chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, hiệu quả kinh tế được thể hiện bằng giá trị và lợi nhuận; có chính sách ưu đãi và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và địa bàn nông thôn, khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với nông dân cùng đầu tư để sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn... Tái cơ cấu nông nghiệp đối với tỉnh Lai Châu là vấn đề mới và khó, bởi tập quán sản xuất, tư duy quản lý mệnh lệnh hành chính của một số ngành, địa phương và tư tưởng ỷ lại của một bộ phận Nhân dân luôn là “sức ì” không dễ thay đổi, vì vậy quan điểm thứ 5 của Đề án đã xác định rất rõ “Tái cơ cấu nông nghiệp là quá trình khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi vừa phải kiên trì, vừa phải có bước đột phá và phải có sự đông thuận, quyết tâm cao của lãnh đạo và cả hệ thống chính trị. Cần phải thường xuyên đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn”. Từ điều kiện thực tiễn của tỉnh, Đề án xác định “tái cơ cấu nông nghiệp” theo đặc thù của Lai Châu, với mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể được xác định phù hợp đến năm 2020 và năm 2030, Đề án định hướng nội dung tái cơ cấu tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: trồng trọt; chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp.

Trong lĩnh vực trồng trọt, cây lương thực được xác định với mục tiêu là đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, chuyển một số vùng sản xuất tập trung sang sản xuất lương thực hàng hóa theo hướng chất lượng cao và hướng tới thị trường cao cấp. Phấn đấu ổn định diện tích lúa ruộng là 20.000 ha, trong đó đưa 8.000 ha lên 2 vụ, chú trọng tăng năng suất, đến năm 2020 đạt sản lượng 154.000 tấn lúa, ngoài việc đáp ứng nhu cầu lương thực trên địa bàn tỉnh sẽ còn khoảng 29.000 tấn lúa hàng hóa bán ra thị trường, mà không cần canh tác bằng nương rẫy. Cây trồng làm thức ăn cho gia súc, thì cây ngô được xác định là cây dễ trồng và có năng suất cao, phấn đấu đến năm 2020 tỉnh sẽ có 25% trong tổng diện tích 20.000ha hiện nay trồng ngô 01 vụ lên trồng 02 vụ, nâng năng suất từ 25 tạ/ha lên 30 tạ/ha. Đây là quan điểm mới của tỉnh, trước đây cây ngô được tính là cây lương thực có hạt, nay chuyển sang cây trồng thức ăn gia súc, như vậy có nghĩa là sản lượng lương thực của tỉnh theo Đề án là không tính sản lượng ngô; cùng với đó, còn tập trung trồng cỏ để phục vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc. Cây thực phẩm, hoa, cây cảnh được xác định trồng tập trung tại các vùng Tam Đường, Thành phố Lai Châu và cao nguyên Sìn Hồ; cây dược liệu phát triển tại các vùng có rừng, gắn với chương trình bảo vệ và phát triển rừng. Cây ăn quả được định hướng phát triển ở một số tiểu vùng có lợi thế theo đới khí hậu, với quy mô phù hợp (chuối, dứa ở dọc sông Nậm Na; cây quả có múi ở Tam Đường, vùng thấp Sìn Hồ; cây ôn đới một số xã vùng cao Tam Đường...). Cây công nghiệp, ngoài các cây trồng (chè, cao su) đang thực hiện sẽ tiến hành trồng các cây mới như: cây mắc ca tại các huyện Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn; cây quế trồng tại một số xã huyện Than Uyên, Tân Uyên...
 
3 12 14
Các giống ngô lai được đưa vào trồng thử nghiệm để nhân rộng (ảnh: KK)

Lĩnh vực chăn nuôi được xác định theo hướng: phát triển chăn nuôi trâu ở các vùng có nhiều diện tích rừng tự nhiên; phát triển đàn bò ở vùng núi thấp; chuyển từ mục tiêu chăn nuôi lấy sức kéo là chính sang mục tiêu sản xuất thực phẩm hàng hóa, chuyển từ mục tiêu tăng đàn sang nâng cao chất lượng đàn và nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm hàng hóa. Đây là những tư duy mới, nhằm phát huy lợi thế trong chăn nuôi của tỉnh theo hướng tập trung và sản xuất hàng hóa, không chạy theo tăng đàn (số lượng) đơn thuần mà chú trọng vào chất lượng hàng hóa, để nâng cao giá trị sản phẩm trong chăn nuôi. Ngoài ra Đề án cũng định hướng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng chăn nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với tiềm năng của tỉnh như: lợn mông, lợn mán, lợn rừng, gà ri và một số loài vật nuôi hoang dã khác (chim trĩ, nhím...), theo quy mô hộ gia đình, gia trại. Về phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản được xác định phát huy lợi thế diện tích mặt nước, nhất là các hồ thủy điện để tập trung phát triển thủy sản sạch, có chất lượng.

Lĩnh vực lâm nghiệp được xác định: phấn đấu đến năm 2020 giá trị tổng sản phẩm ngành lâm nghiệp trong tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp đạt 30% (hiện nay là 20%) và đạt 35% vào năm 2030. Với nhiệm vụ, tập trung bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên gắn với dịch vụ môi trường rừng và khai thức lâm sản ngoài gỗ; đẩy mạnh trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất gắn với những cây có giá trị kinh tế cao như: các loại cây đa mục đích (sơn tra, mắc ca, quế...), cây lấy gỗ lớn (tếch, lát, dổi, sấu...).

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã được xác định, Đề án đưa ra 5 nhóm giải pháp về đất đai, khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất, thị trường, về chính sách đầu tư và hỗ trợ; cùng với 12 chương trình, dự án và giao Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện.

Mặc dù có những định hướng cụ thể cho từng vùng, lĩnh vực, nhưng đây vẫn là Đề án mở, bởi chỉ là những định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, mang tính tập trung nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế từng vùng, địa phương, còn lại các loại cây trồng, vật nuôi khác các địa phương vẫn tiếp tục phát triển sản xuất cho phù hợp theo tiềm năng, thế mạnh của mình. Điều này được khẳng định trong ý kiến phát biểu của đồng chí Lê Trọng Quảng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị triển khai thực hiện “Đề án” ngày 01/12/2014 vừa qua, “tái cơ cấu nông nghiệp trọng tâm là phát triển sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, còn các cây trồng, vật nuôi khác vẫn phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương”. Vì vậy, trên cơ sở những mục tiêu, định hướng của Đề án các huyện, thành phố trong tỉnh cần cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện, xác định rõ tiềm năng lợi thế và sản phẩm chủ lực của địa phương, có lộ trình, giải pháp cụ thể, phù hợp, để mục tiêu của Đề án sớm trở thành hiện thực, thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, góp phần đưa Lai Châu thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực miền núi phía bắc vào năm 2020./.

Tác giả: Thanh Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản mới

Số: 47/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ

lượt xem: 5165 | lượt tải:107

Số: 46/2024/TT-BTC

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

lượt xem: 4826 | lượt tải:112

Số: 72/2024/NĐ-CP

Nghị định Quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội

lượt xem: 5811 | lượt tải:161

Số: 43/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh

lượt xem: 5757 | lượt tải:126

Số: 54/2024/NĐ-CP

Nghị dịnh Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

lượt xem: 6987 | lượt tải:257
  • Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V (2020-2025)

    Trong 2 ngày (27-28/7/2020) Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V...

hienphapvn
  • Đang truy cập129
  • Hôm nay22,004
  • Tháng hiện tại567,740
  • Tháng trước668,260
  • Tổng lượt truy cập34,959,826
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down