Tính đến thời điểm hiện tại, Lai Châu đang quản lý hơn 9.782 hồ sơ người có công, trong đó có hơn 700 hồ sơ liệt sĩ, gần 300 hồ sơ thương binh. Có 628 đối tượng người có công được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, trong đó có 138 thương binh, 71 bệnh binh, 4 Anh hùng, 118 người nhiễm chất độc hóa học, 219 tuất liệt sĩ, còn lại là những đối tượng khác.
Những năm qua, để tri ân với những người có công với cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu luôn thực hiện chế độ chăm sóc sức khoẻ; gặp mặt, động viên, thăm hỏi, tặng quà; thực hiện các chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên là con em người có công; xây dựng “Nhà tình nghĩa” tặng sổ tiết kiệm, các tổ chức đoàn thể mỗi năm góp hàng trăm ngày công lao động dọn dẹp, tu sửa nghĩa trang liệt sỹ... Không chỉ vậy, cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh đã luôn thực hiện chi trả trợ cấp kịp thời, đầy đủ cho các đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, có những điều chỉnh kịp thời theo mức quy định mới của Nhà nước cho các đối tượng theo đúng chính sách, không để xảy ra sai sót hoặc thất thoát kinh phí. Hằng năm tổ chức điều dưỡng, cấp phát, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phương tiện giả cho thương binh, bệnh binh, người có công... Chỉ tính riêng năm 2014 đã mua 662 bảo hiểm y tế, cấp 23 sổ dụng cụ chỉnh hình, 209 sổ ưu đãi giáo dục, điều dưỡng 187 người có công với kinh phí gần 300 triệu đồng…
Bà Lê Thị Chính là vợ liệt sỹ Cao Văn Tưởng năm nay đã 85 tuổi nhưng bà vẫn còn rất minh mẫn kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của mình. Chồng hi sinh năm 1953, lúc ấy ông mới 23 tuổi và bà chỉ mới bước sang tuổi 21. Gạt đi nỗi đau mất chồng, bà lại như chết đứng lần 2 khi năm 1968 lại nhận được giấy báo tử của người con trai cả. May mắn thay đó là giấy báo tử có sự nhầm lẫn, anh trở về trong niềm vui mừng, hân hoan của người mẹ vừa đức hạnh, vừa tần tảo. Niềm vui chưa được bao lâu thì anh lại bị nhiễm chất độc mầu da cam, sau đó ốm và qua đời. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, nhưng bằng nghị lực bà vươn lên tất cả để nuôi những người con còn lại khôn lớn, trưởng thành. Sống trong “Ngôi nhà tình nghĩa” đã gần 10 năm nay, bà cảm nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự tri ân của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân đối với gia đình bà.
Bà Chính đã không khỏi xúc động chia sẻ với chúng tôi: “Hàng tháng tôi luôn được nhận đầy đủ trợ cấp ưu đãi, không chỉ vậy con cái học hành cũng được hưởng nhiều chế độ ưu đãi đối với con em người có công với cách mạng và cũng không năm nào các cấp chính quyền quên đến thăm hỏi, động viên gia đình tôi. Không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm. Tôi sẽ luôn gương mẫu và cố gắng dạy dỗ con cháu nối tiếp truyền thống của gia đình, trung thành với đường lối của Đảng, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước và pháp luật.”
Gia đình bà Lưu Thị Ngọc, mẹ liệt sĩ Lý Duy Ten, hy sinh năm 1970 trong kháng chiến chống Mỹ. Năm nay bà đã 88 tuổi, mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng năm nào cũng vậy khi các cấp, các ngành đến thăm hỏi, bà cũng không quên dặn con phải cảm ơn các bác, các chú. Bà Lý Thị Hiền, con gái bà chia sẻ: “Cứ đến ngày 27/7 hằng năm, được lãnh đạo tỉnh, thành phố, phường đến thăm hỏi, động viên, gia đình chúng tôi vô cùng vui mừng, bà cũng mừng nắm. Chúng tôi không biết nói gì hơn là lời cảm ơn tới các đồng chí đã luôn quan tâm tới gia đình chính sách như chúng tôi”.
Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 hằng năm cũng là dịp mà các thế hệ đi sau dành sự tri ân với những người đã có công với dân tộc, với đất nước. Những ngày này, Lai Châu cũng đang triển khai nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa thiết thực, giúp các gia đình chính sách vơi bớt khó khăn. Tỉnh Lai Châu tặng 80 suất quà, mỗi suất trị giá 1,7 triệu đồng, tương đương với 136 triệu đồng, chủ tịch nước tặng 918 suất, tương đương với 187,800 triệu đồng cho những cá nhân và gia đình người có công với cách mạng./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế