Bỏ lại một phần xương máu tại chiến trường hoặc mất đi người thân yêu trong gia đình vì Tổ quốc thân yêu, các hộ gia đình chính sách và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Lai Châu trở về địa phương gặp phải bao khó khăn trong cuộc sống. Đối với các hộ gia đình chính sách ở các tỉnh miền xuôi đã khó, các hộ sinh sống trên địa bàn tỉnh Lai Châu lại càng khó hơn, bởi đa phần họ là người địa phương, thuộc nhiều dân tộc khác nhau và điều kiện sống cực kỳ khó khăn. Không ít các hộ gia đình, người có công với cách mạng gặp khó khăn về kinh tế và phải lo bữa ăn từng ngày và phải ở trong những ngôi nhà chật hẹp, mưa nắng trong nhà cũng như ngoài trời.
Thực hiện các chính sách của Đảng về thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp sức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh những năm qua cấp ủy, chính quyền tỉnh Lai Châu đã xây dựng hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa kiên cố, hỗ trợ cây, con giống cho các hộ gia đình chính sách, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Từ khi Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được thực hiện, tỉnh Lai Châu đã triển khai rà soát và hỗ trợ làm nhà cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn. Để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, tỉnh đã giao cho từng địa phương, đơn vị phụ trách làm nhà cho các hộ gia đình. Đến nay, nhiều ngôi nhà đã được hoàn thiện và được các đơn vị, cấp ủy, chính quyền các địa phương bàn giao đưa vào sử dụng, giúp các hộ gia đình giảm bớt khó khăn.
Cũng như nhiều gia đình chính sách, người có công với cách mạng khác trên địa bàn tỉnh Lai Châu, gia đình ông Giàng Páo Giang, dân tộc Mông ở bản San Thàng 2, xã San Thàng, thành phố Lai Châu là hộ gia đình chính sách gặp nhiều khó khăn về nhà ở. Năm 1968, ông Giang là chàng trai khỏe mạnh nhất bản và là trụ cột trong gia đình. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông xung phong lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào. Chiến trường khắc nghiệt, ông từng chứng kiến nhiều bạn bè, đồng đội hy sinh ngay bên cạnh mình trong những trận đánh khốc liệt. May mắn hơn nhiều người, ông được trở về địa phương khi chỉ mang trên mình thương tật hạng 2/4. Về với gia đình, chứng kiến điều kiện, hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn, ông ra sức làm lụng và chỉ bảo con cháu học tập, lao động sản xuất. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu, gia đình lại đông khẩu nên dù có làm mấy cũng chỉ đủ ăn qua ngày và phải sinh sống trong ngôi nhà gỗ trật hẹp.
Để động viên, chia sẻ và bù đắp công lao cho gia đình ông Giang, vừa qua Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ 40 triệu đồng để giúp gia đình làm nhà mới. Để có được căn nhà cấp bốn, chính quyền địa phương đã huy động thêm từ các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ vật liệu và sự giúp sức ngày công lao động của họ hàng và người dân trong bản. Ngôi nhà của gia đình ông cũng vừa được hoàn thiện đầu tháng 5 vừa qua, mang lại niềm vui cho cả gia đình, người thân và bà con trong bản. Trong ngôi nhà còn nồng mùi vôi mới, ông Giang không dấu nổi niềm vui cho biết: “Chưa bao giờ tôi dám nghĩ sẽ có ngày được ở trong ngôi nhà kiên cố như thế này. Khi được thông báo Nhà nước hỗ trợ vốn làm nhà, gia đình đã rất lo, không biết lấy đâu thêm tiền để làm. May mà được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm huy động bà con giúp ngày công, hỗ trợ thêm nên tôi mới có nhà để ở. Có nhà rồi, từ nay không còn phải lo mỗi khi trời mưa nữa, chỉ việc lo lao động sản xuất thôi. Giờ đây con cháu sẽ có chỗ rộng rãi, thoáng mát về sum họp, ấm cúng những ngày lễ, tết”.
Cũng như gia đình ông Giang, gia đình bà Ngô Thị Đưa, 92 tuổi ở tổ dân phố 4A, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, vợ của cán bộ tiền khời nghĩa thì niềm vui có ngôi nhà mới lại càng được nhân lên gấp đôi. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà chưa bao giờ dám nghĩ sẽ có một ngày mình được sống trong ngôi nhà khang trang như thế này. Giờ đây bà không còn phải lo lắng mỗi khi mùa mưa đến như trước đây nữa. Bà Đưa xúc động cho biết: “Ông nhà tôi mất đi để lại cho tôi đưa con nhỏ. Từ đó tôi ở vậy, chăm chỉ lao động sản xuất lo cho con, nhưng không may sức khỏe của cháu yếu nên lớn lên cũng không làm được gì nhiều. Ngoài số tiền hỗ trợ của Nhà nước hàng tháng mấy trăm nghìn, hai mẹ con cũng không làm được gì nhiều nên nhiều năm nay chỉ ở trong ngôi nhà tạm. Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ tiền và được đứa cháu cho thêm nên mới có ngôi nhà này để ở”.
Đó chỉ là hai trong số hơn 40 hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Lai Châu được hỗ trợ làm nhà năm nay theo Quyết định số 22 của Chính phủ. Số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng cho một hộ gia đình không phải là nhiều, nhưng đã thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” “đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước và dân tộc Việt Nam dành cho người có công và các hộ gia đình chính sách, phần nào bù đắp gánh nặng đối với các hộ gia đình. Theo số liệu rà soát của tinh Lai Châu, toàn tỉnh hiện có 132 hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng kinh tế gia đình khó khăn và có nhu cầu sửa chữa và làm mới nhà ở. Tuy nhiên, với số tiền Trung ương cấp cho tỉnh 40 triệu đồng cho một hộ làm nhà mới, 20 triệu đồng cho một hộ sửa chữa nhà là chưa đủ. Vẫn biết đây là chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước để chia sẻ, động viên các gia đình chính sách, người có công với đất nước. Nhưng thực tế, các hộ gia đình mà Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã rà soát và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, không có thêm đủ tiền để làm nhà và sửa chữa. Trong khi đó, do là tỉnh biên giới, địa hình đồi núi dốc, cách xa trung tâm hành chính của cả nước nên để có được vật liệu làm nhà, các gia đình phải bỏ thêm số tiền gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi do cước vận chuyển đội lên. Không phải hộ gia đình chính sách, người có công nào cũng may mắn hay có người thân hỗ trợ như gia đình ông Giang, bà Đưa, mà để có đủ tiền làm nhà, nhiều hộ phải đi vay mượn bà con họ hàng hoặc vay lãi ngân hàng, khiến cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn lại càng thêm chật vật.
...tặng quà gia đình chính sách nhân ngày lễ, tết
Để chia sẻ bớt khó khăn đối với các gia đình chính sách, người có công, dựa trên kết quả kiểm tra, rà soát lại các hộ gia đình, tỉnh Lai Châu đang dự kiến sẽ hỗ trợ thêm mỗi hộ làm nhà mới 10 triệu động và mỗi hộ sửa chữa nhà 5 triệu đồng từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh. Đây cũng là một sự cố gắng lớn của các cấp, chính quyền khi mà Lai Châu vẫn còn là một tỉnh đặc biệt khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao và kinh tế tỉnh phụ thuộc hơn 90% vào ngân sách Trung ương. Về vấn đề này, ông Vương Thế Mẫn - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu cho biết: việc hỗ trợ làm nhà lần này cho gia đình chính sách là thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự hy sinh, mất mát của các gia đình chính sách với đất nước, đặc biệt là người có công với cách mạng. Có nhà rồi, các hộ gia đình chính sách sẽ có thêm điều kiện để vươn lên đảm bảo kinh tế gia đình và thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Thông qua việc này cũng là để thể hiện tính giáo dục truyên thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ trẻ, đặc biệt là con em các dân tộc gặp nhiều hạn chế trong học tập và nhận thức cũng như điều kiện tiếp cận xã hội. Tuy nhiên, Lai Châu là tỉnh vùng sâu, vùng xa, biên giới, điều kiện kinh tế còn khó khăn, vì vậy các cấp có thẩm quyền khi xét duyệt chính sách cần quan tâm tới chi tiết đặc thù vùng miền, thực tế của tỉnh.
Niềm vui của những gia đình chính sách, người có công sau khi được hỗ trợ tiền làm nhà kiên cố đã thể hiện chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước, phần nào giúp các gia đình vơi đi khó khăn, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Thực tế đã chứng minh khi hàng năm, hộ nghèo tại Lai Châu giảm mạnh và trong đó có nhiều gia đình chính sách, người có công. Không ít gia đình đã trở thành những điển hình trong các phong trào phát triển kinh tế, gia đình mẫu mực, con cháu thành đạt, góp phần cùng tỉnh giữ vững an ninh chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia./.