Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, Bộ Chính trị khẳng định: Các chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí cơ bản được triển khai thực hiện khá đồng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét. Tham nhũng, lãng phí bước đầu được kiểm chế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém; chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và người dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chưa đạt được mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”...
Theo Bộ chính trị trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết TW 3 khóa X và kết luận 21, với mục tiêu: Trong 5 năm tới phấn đấu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí” và 3 quan điểm chỉ đạo cụ thể:
Một là, phòng ngừa là chính, cơ bản lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kế người đó là ai.
Hai là, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Ba là, kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng; cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.
Bộ chính trị đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện. Trong đó, nhấn mạnh Bí thư cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhung, lãng phí; chủ động phòng ngừa, xử lý các vụ việc có diếu hiệu tham nhũng, lãng phí và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí với phương châm: Đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ càng giữ chức vụ cao càng phải gương mẫu.
Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Có cơ chế giám sát cán bộ, đảng viên bằng nhiều hình thức để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các biểu hiện tham nhũng, lãng phí. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật đảng với kỷ; luật nhà nước.
Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ. Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh về trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ; thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của pháp luật.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng, ban hành các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Với trọng tâm trước mắt là tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự, Luật Tố cáo, Luật Giám định tư pháp để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hoàn thiện pháp luật về thanh tra, kiểm toán theo hướng xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, quan hệ phối hợp với cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng.
Bộ chính trị cũng yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt công tác giám định và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí. Có cơ chế phù hợp, thuận lợi, an toàn để khuyến khích Nhân dân phát hiện, phản ánh, tố giác các hành vi tham nhũng, lãng phí.
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân và các cơ quan truyền thông trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết là trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.
Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Các tập thể được biểu dương trong thực hiện Luật phòng chống tham nhũng (ảnh: NC)
Để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Kết luận số 10-KL/TW có vai trò hết sức quan trọng. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Để công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, cần được tiến hành nghiêm túc, đồng bộ, thường xuyên, bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm và tình hình cụ thể; bám sát sự chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, ban tuyên giáo các cấp; đảm bảo tính trung thực, khách quan, đúng Quy định của Đảng về chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Trong công tác tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần chú trọng gắn với tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, khuyến khích tự tu dưỡng, rèn luyện, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện nghiêm túc phương châm “đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết là trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cần gắn với trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị để thực hiện có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong Đảng, trong xã hội. Đồng thời, chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị về tình hình tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam; âm mưu lợi dụng vấn đề tham nhũng, lãng phí để “bôi nhọ” chế độ, chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Chống tham nhũng, lãng phí là một cuộc đấu tranh vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài, phức tạp, với quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất định Lai Châu sẽ cùng cả nước thực hiện thắng lợi Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”, góp phần ổn định và phát triển đất nước, củng cố niềm tin của Nhân dân, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.