Đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động HĐND tỉnh
Đồng chí Vũ Hồng Bắc - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên: Những năm qua HĐND tỉnh Thái Nguyên đã có sự cải tiến về nội dung, phương thức hoạt động, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh trên các linh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Để có được kết quả đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ HĐND tỉnh đã chú trọng việc nghiên cứu và từng bước thực hiện các giải pháp để đổi mới, cải tiến về tổ chức và phương thức hoạt động nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Những giải pháp được tỉnh thực hiện là tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh. Trong quá trình lựa chọn, hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh luôn đảm bảo cơ cấu, tính đại diện; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND tỉnh. Chủ động tổ chức hội nghị liên tịch giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh để thống nhất các nội dung dự kiến sẽ bàn thảo, quyết định tại kỳ họp HĐND tỉnh, báo cáo xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thông báo đến UBND tỉnh và các cơ quan liên quan để chuẩn bị tốt các nội đã thống nhất trình tại kỳ họp. Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương như: chủ động nâng cao chất lượng giám sát; chất lượng thẩm tra báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp; nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp; xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo và tiếp công dân; chất lượng tham mưu, phục vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cũng như nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền…
Kinh nghiệm lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu
Đồng chí Chung Thị Chiên - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang: Xác định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một trong những nhiệm vụ quan trọng của HĐND các cấp, vì vậy Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang sớm triển khai đồng bộ và ban hành các văn bản hướng dẫn thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh. Sau hội nghị quán triệt cấp tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị các huyện, thành phố tổ chức hội nghị cấp huyện để triển khai tới các xã, phường, thị trấn. Cách làm của tỉnh là chọn 1 điểm ở thành phố Hà Giang; các huyện, thành phố chọn 1 xã, phường để làm điểm chỉ đạo rút kinh nghiệm rồi mới tổ chức ở các điểm còn lại. Các văn bản được quán triệt sâu sắc, đầy đủ, đúng mục đích, yêu cầu, nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị định 35 của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, bản thân mỗi cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm có ý thức chuẩn bị báo cáo đầy đủ, trung thực về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của mình; đánh giá khách quan ưu điểm, khuyết điểm của bản thân, làm cơ sở để đại biểu tham gia đóng góp ý kiến. HĐND cấp tỉnh đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 16 đồng chí, cấp huyện 124 đồng chí và không có người nào có trên 50% phiếu tín nhiệm thấp; cấp xã bỏ phiếu tín nhiệm 1.021 đồng chí và chỉ có 6 người có trên 50% phiếu tín nhiệm thấp. Kết quả này cơ bản phản ánh đúng thực trạng năng lực, sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của người lấy phiếu tín nhiệm.
Vai trò của HĐND các cấp trong bộ máy chính quyền
Đồng chí Cao Đình Thưởng - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ: Với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan đại diện của nhân dân ở địa phương, HĐND thay mặt cho nhân dân địa phương, cho cử tri đã bầu ra mình để quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương và giám sát việc thi hành những quyết định đó. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, vai trò của HĐND các cấp ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược qua từng giai đoạn cách mạng khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận thẳng thắn trên thực tế vẫn còn một số nơi hoạt động của HĐND còn mang tính hình thức, cầm chừng, thiếu hiệu lực, hiệu quả. Nguyên nhân do các cấp tổ chức thiếu cơ chế và chế tài hoạt động và chưa đủ các điều kiện cần thiết để HĐND phát huy vai trò, chức năng của mình. Bên cạnh đó không loại trừ do “cơ cấu” thường trực HĐND không đủ mạnh, không tương xứng với chức năng và vị trí một cơ quan thường trực HĐND. Theo chúng tôi, hiện tượng này chỉ là cá biệt, còn đa số HĐND đều hoạt động tốt, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân. Với nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của HĐND các cấp trong bộ máy chính quyền như phân tích ở trên, Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ đồng ý với phương án 4 của dự thảo báo cáo là “trên cơ sở phân định các đơn vị hành chính, mô hình chính quyền địa phương được giữ nguyên ở cả 3 cấp hành chính như Hiến pháp năm 1992: HĐND và UBND được thành lập ở tất cả các đơn vị hành chính là tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, huyện; xã, thị trấn, phường”.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn
Đồng chí Lê Văn Tạo - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái: Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp của HĐND tỉnh những năm qua luôn được Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái chú trọng và có nhiều đổi mới. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn, trước mỗi kỳ họp Thường trực và các Ban HĐND tỉnh tăng cường hoạt động giám sát về những vấn đề nổi cộm, bức xúc được nhiều cử tri quan tâm; đồng thời các tổ đại biểu HĐND tiến hành tiếp xúc cử tri để làm cơ sở cho việc thực hiện hoạt động chất vấn và yêu cầu các cơ quan, cá nhân trả lời các ý kiến kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Phiên họp chất vấn, trả lời chất vấn và trả lời kiến nghị của cử tri được HĐND tỉnh bố trí vào phiên cuối của chương trình kỳ họp và được truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh - truyền hình để cử tri có điều kiện theo dõi. Xác định được tầm quan trọng của phiên họp này, Thường trực HĐND tỉnh luôn nghiên cứu, đổi mới cách thức điều hành, tạo điều kiện cho người chất vấn và người được chất vấn có sự chuẩn bị. Để tránh tình trạng hỏi chiếu lệ, trả lời qua loa, hoặc dùng diễn đàn để báo cáo thành tích của cơ quan, đơn vị mình, Thường trực HĐND tỉnh cùng các Ban, các tổ đại biểu thường xuyên tiến hành trao đổi nhằm xác định đúng đắn mục đích, yêu cầu của chất vấn; đảm bảo các câu hỏi chất vấn được gửi đến đối tượng được chất vấn trước phiên họp chất vấn ít nhất 1 ngày. Trong phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn, HĐND tỉnh Yên Bái luôn bố trí nội dung phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh ngay sau nội dung chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình kiến nghị cử tri. Điều đó đảm bảo cho lãnh đạo của cơ quan điều hành có điều kiện trực tiếp báo cáo, giải trình, làm rõ hơn trước cử tri và HĐND về những nội dung mà cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trả lời.
Tiếp thu, giải quyết ý kiến qua thảo luận tổ
Đồng chí Cà Thị Thỏa - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Sơn La: Để nâng cao chất lượng kỳ họp, HĐND tỉnh Sơn La đã giành nhiều thời gian cho phiên thảo luận tổ, qua đó các đại biểu đã đóng góp nhiều kiến kiến xác đáng vào các nội dung của kỳ họp. Sau phiên thảo luận, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã tập trung cao cho công tác tổng hợp các ý kiến để kịp thời báo cáo trước kỳ họp. Thường trực HĐND tỉnh đã phân công lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh xây dựng và ban hành quy trình về công tác thẩm tra, tổng hợp ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận tổ trong các kỳ họp HĐND tỉnh. Theo đó, không tổng hợp trùng các nội dung đã có trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND và nội dung chất vấn tại kỳ họp. Để nâng cao trách nhiệm trong việc đôn đốc giải quyết các ý kiến qua thảo luận tổ tại kỳ họp và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã xây dựng quy trình cụ thể các bước trong công tác thẩm tra các nội dung trình kỳ họp và quy trình tổng hợp ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận tổ đại biểu HĐND trong các kỳ họp. Đối với những nội dung kiến nghị hoặc đề xuất trực tiếp vào các dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh, đoàn thư ký sẽ phối hợp với chuyên trách các Ban HĐND tỉnh, các cơ quan liên quan xem xét, tiếp thu vào dự thảo Nghị quyết và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh. Những nội dung tham gia vào các báo cáo, đề án trình kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh giao cho các cơ quan soạn thảo văn bản tiếp thu và giải trình trước kỳ họp; những nội dung còn nhiều ý kiên khác nhau sẽ tổng hợp trình kỳ họp tiếp tục thảo luận tại hội trường để thống nhất tại kỳ họp…
Nâng cao chất lượng thẩm tra báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết
Đồng chí Trương Hùng Anh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn: Thẩm tra báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết chặt chẽ sẽ quyết định lớn đến chất lượng kỳ họp cũng như hoạt động của HĐND tỉnh. Để chuẩn bị cho việc thẩm tra, các Ban HĐND tỉnh Lạng Sơn đã giành nhiều thời gian để làm việc trực tiếp với các cơ quan, đơn vị, khảo sát thực tế tại cơ sở, nhằm nắm bắt thông tin, tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó chú trọng nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để khi thẩm tra những nội dung trình tại kỳ họp có những đánh giá chính xác, khách quan, phản ánh đúng thực trạng tình hình, những vấn đề trọng tâm cần được tập trung giải quyết. Qua đó, các Ban HĐND tỉnh nghiên cứu nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND; tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng Đoàn HĐND tỉnh, sự điều hành, phối hợp hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh để vận dụng linh hoạt vào quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho hoạt động thẩm tra. Việc thẩm tra các báo cáo định kỳ được các Ban HĐND tỉnh xem xét, đối chiếu tính chinh xác, tính phù hợp của các vấn đề trong báo cáo; so sánh kết quả đạt được so với cùng kỳ năm trước để nhìn nhận, đánh giá khách quan kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đối với thẩm tra các đề án, dự thảo nghị quyết theo quy định của pháp luật và theo chuyên đề, các Ban HĐND tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tham gia ngay từ khi xây dựng đề án, dự thảo nghị quyết và dành nhiều thời gian nghe các cơ quan soạn thảo giải trình để làm rõ các nội dung, đảm bảo tính thống nhất cáo khi trình HĐND tỉnh tại kỳ họp.