Trong 2 năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Bước đầu Sở Nông nghiệp phối hợp với Sở Công Thương đã tiến hành tổ chức rà soát các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh; đàm phán và ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Nậm Lùng, Nậm Cát, Chu Va 12, Nậm Mở và Bản Chát.
Công tác tuần tra bảo vệ rừng đã được thực hiện 1 cách thường xuyên và liên tục, nhiều bản đã xây dựng được hương ước, quy ước bảo vệ rừng của thôn bản. Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện, Hạt Kiểm lâm thành phố đã sử dụng một phần kinh phí quản lý để chi cho các đội xung kích (tổng số tổ xung kích trên toàn tỉnh là 527 tổ, bình quân 5 tổ/xã); chi hoạt động chữa cháy rừng, mua sắm các dụng cụ: dao phát, quần áo bảo hộ, giầy, tất... phục vụ công tác tuần tra bảo vệ rừng. Tại những nơi có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao đã chủ động làm đường băng trắng cản lửa (với tổng diện tích 408,9 ha tương đương với 300km) trước mùa khô để phòng cháy rừng và lập 26 chốt gác tại những khi có nguy cơ cháy cao.
Bên cạnh đó, thông qua công tác hỗ trợ cây giống trồng rừng từ nguồn chi phí quản lý của Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng, năm 2013 trồng mới được hơn 34 ha, dự kiến năm 2014 trồng trên 400ha tại huyện Tân Uyên, Tam Đường. Từ đó, góp phần tăng độ che phủ rừng năm 2013 lên 43,82%. Việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của người dân về rừng, đồng thời nâng cao thu nhập của các chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng đã được nâng lên, đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng tăng từ 2,1 triệu đồng/hộ/năm (năm 2012 ) lên 2,4 triệu đồng/hộ/năm (năm 2013).
Tại buổi giám sát, các thành viên của Đoàn đã thực hiện kiểm tra và nghe giải trình của Sở Nông nghiệp và một số ban, ngành liên quan về một số văn bản, kế hoạch, dự toán thu chi; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện chính sách; danh sách rà soát, thống kê của các chủ rừng...
Kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Đinh Khắc Hiếu - UV BCH Đảng bộ tỉnh, UV thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ trong 2 năm 2012, 2013. Đồng thời, đề nghị Sở khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong quá trình triển khai chính sách và tiếp thu và tổng hợp các ý kiến, kiến nghị để trình lên cấp trên.
Trong 8 ngày tới (từ 1 - 8/10), Đoàn tiếp tục có buổi giám sát thực tế tại 2 huyện Mường Tè và Sìn Hồ.
Năm 2013, tổng diện tích rừng trên địa bàn toàn tỉnh được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là 424.053,31 ha. Với 10 đơn vị tổ chức nhà nước (không phải là chủ rừng nhưng được giao trách nhiệm quản lý rừng), 09 doanh nghiệp và 189 hộ gia đình cá nhân diện tích rừng quản lý. Tổng số hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng tăng từ 54.145 hộ (năm 2012) lên 57.277 hộ (năm 2013). |