Dự buổi làm việc có đồng chí Lê Trọng Quảng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan chuyên môn.
Báo cáo đánh giá kết quả giám sát cho thấy Diện tích rừng được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Năm 2012: 426.987,36ha (Rừng đặc dụng: 28.222,75ha, rừng phòng hộ: 231.872,71ha, rừng sản xuất: 164.603,13ha và diện tích Cao su: 2.288,76ha); Năm 2013: 424.053,31ha (Rừng đặc dụng: 29.410,3ha, rừng phòng hộ: 226.307,35ha, rừng sản xuất: 163.682,94ha và diện tích cây Cao su: 4.652,72ha). Tổng số tiền thu được 374.299 triệu đồng. Tổng số kinh phí đã chi: 282.174 triệu đồng đạt 83 % so với kế hoạch. Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ phát triển rừng nói chung và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nói riêng được các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển rừng và tạo niềm tin trong nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Công tác bảo vệ, phát triển rừng được các cộng đồng các thôn, bản, tổ dân phố quan tâm cụ thể hóa trong quy ước, hương ước, tuần tra bảo vệ rừng...Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần cải thiện thu nhập bình quân, góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện như: Việc huy động nguồn thu vẫn còn hạn chế, mới chỉ thu được tiền dịch vụ môi trường rừng đối với 07 cơ sở sản xuất thủy điện; Công tác thông tin báo cáo giữa cấp tỉnh, huyện chưa thường xuyên, chưa có những giải pháp tích cực và đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; Công tác tham mưu, phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước của một số huyện về công tác bảo vệ và phát triển rừng thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng còn hạn chế, việc rà soát, xây dựng, thẩm định phê duyệt phương án khoán và nghiệm thu để chi trả tiền còn chậm, rà soát thống kê diện tích còn thiếu phải bổ sung.; Việc tổ chức hợp đồng khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng còn lúng túng, chưa xác định được phương án khoán có hiệu quả, hợp đồng khoán chưa tổ chức bàn giao cụ thể ngoài thực địa nên còn xảy ra tình trạng tranh chấp; Quy định về phương thức chi trả theo từng lưu vực của từng nhà máy thủy điện đã tạo ra sự chênh lệch lớn về mức chi trả bình quân cho một ha rừng giữa các lưu vực. Việc chỉ áp dụng một mức (một hệ số K) để chi trả không công bằng với những diện tích rừng có chất lượng cao so với những diện tích rừng có chất lượng thấp (diện tích đất lâm nghiệp có cây tái sinh trạng thái Ic)....
Đồng chí Lê Trọng Quảng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu
tại buổi kểt luận giám sát
Thảo luận tại buổi kết luận giám sát, đa số đại biểu nhất trí với dự thảo báo cáo kết quả giám sát. Có ý kiến cho rằng việc tổ chức hợp đồng khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng còn lúng túng, chưa xác định được phương án khoán có hiệu quả đó là sự kế thừa của việc khoán trong dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và đến nay việc khoán rừng này vẫn đang phát huy hiện quả nên được sử dụng; một số cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng chưa thực hiện nghiêm túc việc chi trả DVMTR đó là đơn vị nào, hướng xử lý những đơn vị đó, diện tích còn có sự khác nhau giữa diện tích rừng và diện tích được chi trả DVMTR, việc tính đồng nhất với một hệ số k không đúng với hướng dẫn thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ-CP. Có ý kiến cho lại cho rằng việc dùng một hệ số K đã được khuyến cáo sử dụng vì việc xác định chất lượng rừng rất khó khăn do lực lựợng làm cồng tác kiểm kê rừng mỏng... cần đánh giá trách nhiệm của Ban quản lý rừng phòng hộ một số huyện, trách nhiệm của cộng đồng nhận khoán...
Kết luận tại buổi họp, đồng chí Đinh Khắc Hiếu đã đánh giá cao việc triển khai thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn; xác định diện tích rừng, đối tượng phải chi trả và được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; Công tác lập và thực hiện kế hoạch, dự toán thu, chi; Công tác kiểm tra, kiểm soát. Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến của các địa biểu tham dự, hoàn thiện báo cáo giám sát gửi các đơn vị được giám sát./.