Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giáo dục và đào tạo luôn được xác định là quốc sách hàng đầu. Từ nhận thức đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cho sự phát triển của giáo dục và đào tạo. Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về“đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” là một trong những Nghị quyết đầy đủ, toàn diện về giáo dục và đào tạo. Nghị quyết đã được cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc Lai Châu vui mừng đón nhận và tích cực triển khai thực hiện.
Xác định giáo dục và đào tạo là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển của tỉnh, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW phù hợp với điều kiện của tỉnh. Tỉnh ủy xây dựng chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 26/12/2014 về thực hiện Nghị quyết 29 với mục tiêu “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của Nhân dân”… Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp cụ thể hóa Nghị quyết sát hợp với thực tiễn địa phương để tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong triển khai thực hiện.
Từ thực trạng của tỉnh với 75 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn và việc học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ở xa trường, có nguy cơ nghỉ học dẫn đến tỷ lệ chuyên cần giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục. Tỉnh ủy đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020”, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 19/2018/NQ-HĐND, ngày 10/12/2018 quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở các xã vùng II không được hưởng chế độ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ. Nhờ đó, cơ sở vất chất trang thiết bị cho các trường được đầu tư đồng bộ, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đảm bảo, chất lượng giáo dục chuyển biến rõ rệt, giảm nhanh sự chênh lệch khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh.
Bên cạnh đó, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo việc bổ sung, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các đơn vị trường. Các chế độ thu hút, đãi ngộ cho giáo viên, giảng viên được quan tâm…, đã hình thành đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn, tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh.
Việc hình thành hệ thống các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết được thực trạng thiếu nguồn nhân lực tại chỗ những năm đầu sau chia tách và thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở. Các trường đã thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và Nhân dân về giáo dục đã được nâng lên. Giáo dục - Đào tạo đã dần trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh và mỗi địa phương. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên được đảm bảo về số lượng, tăng về chất lượng. Quy mô trường lớp được sắp xếp, quy hoạch, xây dựng theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia. Nhiều hoạt động đổi mới giáo dục được tích cực triển khai, chất lượng giáo dục toàn diện phát triển khá nhanh, cơ cấu ngành, nghề đào tạo ngày càng phù hợp với nhu cầu thực tiễn, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết còn bộc lộ những hạn chế. Nhận thức một số cấp ủy, chính quyền và cán bộ quản lý, giáo viên về Nghị quyết chưa sâu sắc nên thiếu chủ động, tích cực trong thực hiện. Chất lượng giáo dục tuy được nâng lên song còn thấp so với khu vực và cả nước; việc phân luồng học sinh, giáo dục đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn nhiều bất cập; việc giáo dục kỹ năng cho học sinh hiệu quả chưa cao. Việc huy động các nguồn lực cho giáo dục chưa nhiều….
Tiếp tục mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và để giáo dục, đào tạo ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo nguồn lực bền vững cho phát triển, trong những năm tiếp theo Lai Châu tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế và thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 29-NQ/TW với những giải pháp trọng tâm sau.
Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng các nội dung cốt lõi của Nghị quyết và chương trình hành động, kế hoạch của cấp ủy các cấp thực hiện Nghị quyết. Làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ được mục tiêu, những nhiệm vụ cơ bản và trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Hai là, thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ vào việc dạy và học; vận dụng hiệu quả kiến thức vào thực tế. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đạt chuẩn, đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn. Đầu tư hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Hình thành môi trường giáo dục, môi trường học tập rộng khắp; tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân.
Ba là, huy động tối đa các nguồn lực từ xã hội đầu tư cho giáo dục. Tạo thành nếp nghĩ thường xuyên: “sự nghiệp giáo dục là của toàn dân”, “chăm lo cho giáo dục là trách nhiệm của mọi lực lượng, tầng lớp trong xã hội”. Bên cạnh việc kêu gọi đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất cho giáo dục, cần huy động sức lực, trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, nhà quản lý, những người tâm huyết, trách nhiệm để góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hình thành sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.
Thành tựu đạt được sau 20 năm chia tách, thành lập là rất tự hào, song giáo dục và đào tạo Lai Châu còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Để giáo dục và đào tạo Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, góp phần tạo nguồn lực cho sự nghiệp phát triển của tỉnh, đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc phải hiểu rõ trách nhiệm, chung tay, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp và cơ sở vững chắc cho việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu về giáo dục và đào tạo mà Nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra./.