Lai Châu là một tỉnh miền núi, biên giới dân số chủ yếu là đồng bào các dân tộc thểu số, có tổng diện tích trên 9.000 km2, với diện tích đất nông nghiệp - lâm nghiệp chiếm trên 52%, khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 82%. Tỉnh luôn xác định nông nghiệp, lâm nghiệp là mũi nhọn rong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XIV xác định: phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung là một trong những chương trình trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt, ngày 22/2/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 đó là Nghị quyết số 05-NQ/TU.
Trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đã có những chuyển biến tích cực. Bước đầu đã thu hút, huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân phát triển được các vùng thâm canh, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, giới thiệu được 87 doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm vào nghiên cứu khảo sát; chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Dương Gia Lai Châu thực hiện dự án phát triển cây mắc ca tại huyện Sìn Hồ, Tân Uyên, Than Uyên; Công ty cổ phần Liên Việt Lai Châu thực hiện dự án trồng mắc ca tại huyện Than Uyên, Mường Tè, Tam Đường; Công ty Cổ phần Sâm Pusilung thực hiện dự án trồng rừng và trồng dược liệu dưới tán rừng tại huyện Mường Tè; Công ty TNHH một thành viên chế biến nông sản Lai Châu thực hiện dự án Nhà máy chế biến thức ăn gia súc và tinh dầu quế tại huyện Phong Thổ;... Đồng thời, tỉnh đã xây dựng được chuỗi liên kết, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung từ năm đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tạo ra được một số sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế của tỉnh như chè, mắc ca, lúa, cây ăn quả, miến dong, mật ong, cá, một số loại cây dược liệu... Qua đó, đã tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế - xã hội của Lai Châu.
Tuy nhiên, việc thu hút, huy động các nguồn lực vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh thời gian vừa qua còn nhỏ lẻ, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao. Các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả chưa cao. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, Lai Châu cách xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có địa hình chia cắt, độ dốc lớn, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế, đặc biệt hạ tầng giao thông là điểm nghẽn, nút thắt lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nền kinh tế còn nhỏ bé, xuất phát điểm thấp; nguồn thu ngân sách tỉnh còn thấp, phần lớn phụ thuộc vào ngân sách Trung ương... Tất cả sẽ là những rào cản, những khó khăn đòi hỏi sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh phải vượt qua tạo cơ sở, niềm tin vững chắc để thu hút, huy động các nguồn lực lớn vào lĩnh vực bứt phá, vươn lên.
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn trên, trên cơ sở sơ kết, đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 22/2/2021 của Tỉnh ủy, Đảng bộ tỉnh Lai Châu xác định: “Tập trung tháo gỡ những vướng mắc về quy hoạch, quản lý đất đai, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp”. Đòi hỏi các cấp, các ngành phải xác định đúng vấn đề cốt lõi, mối quan hệ chủ đạo của sản xuất hàng hóa tập trung trong các chủ thể nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã cộng đồng dân cư và hộ nông dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tạo lập, hình thành môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư; nâng cao thứ hạng, chất lượng chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch các vùng sản suất, vùng hàng hóa tập trung, quy hoạch các sản phẩm chủ lực,... Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các đề án, kế hoạch, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; phê duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư;… để tập trung các nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết bền vững.
Ngoài ra, phải huy động hiệu quả hơn nữa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh. Lồng ghép các nguồn vốn ngân sách nhà nước,coi nguồn vốn ngân sách nhà nước đóng vai trò là vốn mồi dẫn dắt các nguồn vốn khác. Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào khu vực sản xuất; cơ sở hạ tầng kết nối liên vùng sản xuất. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm có tính chất lan tỏa và khai thông các điểm nghẽn về giao thông kết nối vùng./.