Lai Châu là địa bàn cư trú của 19 dân tộc thiểu số, trong các dân tộc thiểu số trên địa bàn, đời sống dân tộc Mảng và dân tộc La Hủ còn gặp nhiều khó khăn, thuộc nhóm các dân tộc có dân số dưới 10.000 người. Hiện nay, người Mảng có 1.043 hộ với 5.270 khẩu; người La Hủ có 2.952 hộ với 12.316 khẩu, sống tập trung tại 61 bản của 16 xã thuộc địa bàn 3 huyện Mường Tè, Nậm Nhùn và Sìn Hồ. Theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg, ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025, dân tộc La Hủ được xếp vào nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn; dân tộc Mảng được xếp vào nhóm các dân tộc có khó khăn đặc thù.
Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, với hai dân tộc Mảng và La Hủ nói riêng. Từ năm 2011, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống” trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 - 2020 (Quyết định số 1695/QĐ-UBND, ngày 30/12/2011). Tiếp đó là Quyết định phê duyệt dự án thành phần thuộc Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống” trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2013 - 2020 (Quyết định số 370/QĐ-UBND, ngày 21/4/2015).
Qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, công tác dân tộc luôn được quan tâm, xác định rõ trong văn kiện; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định “Thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân tộc… trọng tâm vào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc”. Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đã xác định 4 chương trình trọng điểm, những chương trình đó đều có những nội dung quan trọng hướng đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mảng và La Hủ, như Chương trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch; chương trình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã…
Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 15/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Xác định “Hằng năm dành 40% chỉ tiêu để tổ chức, tuyển dụng riêng người dân tộc thiểu số, trong đó đặc biệt quan tâm đến một số dân tộc ít người như Cống, Mảng, La Hủ, Si La, Lự, Lào”.
Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những năm qua tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ trên địa bàn Lai Châu đã từng bước cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần dân tộc Mảng, La Hủ dần được nâng lên. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vùng hai dân tộc này vẫn chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao, đời sống vật chất và tinh thần của bà con còn rất nhiều khó khăn. Nói đến người Mảng, La Hủ người ta thường nghĩ đến những hình ảnh khó khăn tồn tại trong đời sống.
Thứ nhất: Nói đến dân tộc Mảng, La Hủ là người ta nghĩ ngay đến sự đói nghèo, sản xuất du canh, du cư.
Thứ hai: Nói đến dân tộc Mảng, La Hủ người ta nghĩ ngay đến các tệ nạn, nhất là nghiện rượu và nghiện thuốc phiện.
Thứ ba: Nói đến dân tộc Mảng, La Hủ là người ta nghĩ đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Về vấn đề hộ nghèo, du canh du cư: Hai dân tộc Mảng và La Hủ trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện nay đang có tỷ lệ nghèo và nguy cơ tái nghèo tương đối cao. Tính đến 31/12/2021, số hộ nghèo dân tộc La Hủ là 2.636 hộ, chiếm 89,3% tổng số hộ dân tộc La Hủ, chiếm 7,94% tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 7,87% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Số hộ nghèo của dân tộc Mảng là 785 hộ, chiếm 75,26% số hộ dân tộc Mảng, chiếm 2,36% tổng số hộ nghèo các dân tộc thiểu số, chiếm 2,34% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Người Mảng và La Hủ rất ít kinh nghiệm trong việc chọn nương mới để sản xuất, họ chặt cây, đốt cây, thu dọn nương, chọc lỗ tra hạt giống như nhiều dân tộc khác; khoảng ba năm sau, khi nương đó bạc màu, họ lại đi tìm nơi mới. Nương cũ bỏ lại thành rừng thưa, dăm bảy năm sau được khai thác trở lại, nhưng cũng lại một hai năm sau thì bỏ hoang. Việc này vô hình chung đã đẩy một số gia đình vào vòng lao lý vì đã phá rừng trái phép.
Vấn đề tệ nạn, nhất là nghiện rượu trong đồng bào Mảng, La Hủ đã tồn tại lâu dài trong đời sống được phản ánh nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hình ảnh đựng rượu trong túi nilong, hình ảnh những người đàn ông ngồi cả ngày uống rượu, ngã dúi dụi, đánh vợ con, lười lao động, 5 giờ chiều trong khi các dân tộc khác vẫn còn miệt mài trên nương thì nhiều thanh niên, trung niên người Mảng, kể cả phụ nữ đã ngồi vào bàn nhậu với mấy con cá khô và vài gói mỳ tôm… đã làm hình ảnh người Mảng càng trở lên “xấu xí”. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp gây mất ổn định an ninh, trật tự, làm suy giảm chất lượng cuộc sống, giống nòi và là rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 dân tộc trên.
Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào Mảng, La Hủ. Từ thực tế cho thấy, tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn chiếm tỷ lệ cao, việc giao lưu với các dân tộc khác, nhất là trong quan hệ tìm hiểu của nam nữ gặp nhiều khó khăn, một mặt do tính tự ti dân tộc, do tâm lý coi thường các dân tộc này vẫn còn tồn tại, các dân tộc khác cho rằng việc kết hôn với dân tộc La Hủ, Mảng là không “môn đăng hậu đối”. Tình trạng bệnh tật thường xuyên xảy ra do thoái hóa nòi giống, ăn ở mất vệ sinh, thiếu dinh dưỡng, địa bàn cư trú đặc biệt khó khăn, công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân còn nhiều bất cập.
Nguyên nhân của những tình trạng trên là do:
(1) Phong tục tập quán lâu đời trong đó có nhiều hủ tục, tập quán canh tác lạc hậu đã sâu gốc, bén rễ trong tâm lý, suy nghĩ của đồng bào các dân tộc. Trong khi đó sự thay đổi của xã hội, của đồng bào các dân tộc khác nhất là về kinh tế, xã hội làm cho đồng bào ngày càng cảm thấy tự ti về sự yếu kém của mình, dẫn đến ngại thay đổi, sợ thay đổi nên ngày càng tụt hậu. Thậm chí còn có hiện tượng tâm lý giống như đàn cua để trong chậu, mặc dù chậu rất nông nhưng không con cua nào có thể vượt ra do rào cản, sự níu kéo của chính cộng đồng dân cư.
(2) Việc triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào nhưng do địa bàn nơi bà con cư trú rất khó khăn về địa lý, địa hình, đất sản xuất rất ít, điều kiện sinh hoạt, giao thương rất hạn chế dẫn đến rất khó khăn trong tổ chức thực hiện, chưa kể đến mỗi xã, mỗi bản bà con lại có những tập quán, cách thức sinh hoạt, lao động sản xuất khác nhau nên không thể áp dụng một cách làm chung, trong khi đó quy định của các cơ quan là quy trình, nhiệm vụ triển khai các chương trình, dự án phải giống nhau để đảm bảo thuận lợi cho việc quản lý ngân sách, chưa kể đến một số cán bộ triển khai thực hiện ở địa phương, thiếu kinh nghiệm, thậm chí thiếu trách nhiệm dẫn đến không ít chương trình, dự án không đến nơi, đến chốn dẫn đến bà con có tâm lý ỷ lại vào nhà nước hoặc chưa thực sự tin tưởng và làm theo.
(3) Nhiều năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp đang tập trung vào việc tuyên truyền tập huấn, bồi dưỡng, hỗ trợ cho Nhân dân ở cộng đồng dân cư mà chưa tính đến việc xử lý tận gốc vấn đề đó là đưa những nội dung cần tuyên truyền, cần hướng dẫn vào các nhà trường để tạo ra một thế hệ công dân mới với những nhận thức mới, quyết tâm mới, khát vọng mới.
(4) Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, nhất là cán bộ quản lý có rất ít người là đồng bào 2 dân tộc này (gần 0,4%, trong 3 năm qua chỉ tuyển được 7 cán bộ, công chức người Mảng và La Hủ - theo báo cáo của Sở Nội vụ). Có thể nói là đang có rất ít “ngọn cờ”, “tấm gương” để bà con có động lực phấn đấu. Mặt khác, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền rất ít người biết tiếng và hiểu về đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ nên tiếng nói của Đảng và Nhà nước chậm đến với Nhân dân.
Từ thực trạng trên, để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và dần thay đổi hình ảnh của người Mảng, La Hủ trên địa bàn cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng một số giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách đối với đồng bào các dân tộc với những cách làm rất cụ thể, chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng dân tộc, từng bản theo nguyên tắc “chính sách như nhau, cách làm khác nhau” hay “chính sách 1, cách làm 10”. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải có kế hoạch dài hạn, chi tiết đến từng xã, từng bản; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; kịp thời điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh những bất hợp lý trong chính sách và thực hiện chính sách. Trước mắt cần rất quan tâm đến việc nâng cao thể chất (thể lực, trí lực), thể trạng, xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu của bà con.
Hai là, đổi mới nội dung, hình thức cách thức tuyên truyền, vận động, trong đó phải lựa chọn người tuyên truyền, vận động phải biết, hiểu và yêu đồng bào Mảng, La Hủ, phải “4 cùng” với đồng bào; nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ thuộc; các thức tuyên truyền phải dễ nghe, dễ nhớ, sử dụng các phương tiện thông tin có sẵn của Nhân dân (điện thoại, mạng xã hội...).
Ba là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng một thế hệ công dân mới, cán bộ người dân tộc Mảng, La Hủ. Nên đưa các nội dung cần tuyên truyền, thậm chí những mô hình lao động, sản xuất, sinh hoạt văn minh, tiên tiến vào trong trường học để dần hình thành ý thức trong thế hệ trẻ, khơi dậy trong các em quyết tâm mãnh liệt cần phải thay đổi để phát triển, để đồng bào dân tộc mình sánh vai cùng các dân tộc khác. Lựa chọn những thanh niên có khát vọng làm giàu để hỗ trợ, hướng dẫn họ cách làm giàu từ chính quê hương mình, nhất là từ những đặc sản của địa phương. Tỉnh cần sớm thành lập quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo để làm việc này.
Bốn là, đầu tư, nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; kêu gọi, thuyết phục, thậm chí có chính sách hỗ trợ ban đầu để các nhà đầu tư, những doanh nghiệp lớn phát triển sản xuất tạo động lực và hình thành chuỗi sản xuất, giải quyết đầu ra cho sản phẩm của Nhân dân.
Có thể thấy, đây là những vấn đề không hề mới nhưng đã tồn tại từ rất lâu trong đời sống của người Mảng, La Hủ. Vì vậy, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở phải chung tay vào cuộc, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ để từng bước thay đổi diện mạo đời sống, hình ảnh vùng đất, con người Mảng, La Hủ cũng như bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, để đồng bào Mảng, La Hủ “không bị bỏ lại phía sau”./.