Tình cảm của Bác Hồ với đồng bào và cán bộ Lai Châu

Thứ bảy - 10/12/2022 04:38 1.900 0
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những tình cảm đặc biệt với đồng bào các dân tộc Lai Châu. Tình cảm của Người được thể hiện qua những bức thư gửi cho đồng bào các dân tộc, cuộc gặp gỡ với cán bộ Lai Châu bằng những lời dạy chí tình, nhân ái, lời căn dặn quý báu, thân thương nghĩa tình. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn để ngày nay cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc Lai Châu ra sức phấn đấu xây dựng quê hương giàu mạnh.
Bác Hồ với Đoàn cán bộ tỉnh Lai Châu, tháng 3/1967 - Ảnh tư liệu
Bác Hồ với Đoàn cán bộ tỉnh Lai Châu, tháng 3/1967 - Ảnh tư liệu
Những năm kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ cùng Chính Phủ hoạt động ở Việt Bắc, Bác đã có Thư gửi đồng bào, các cơ quan đoàn thể, các cán bộ liên tỉnh Sơn Lai (6/1949), Bác viết: “Sơn - Lai tuy xa Chính phủ, nhưng lòng Chính phủ rất gần Sơn - Lai. Chính phủ biết rằng nhân dân Sơn - Lai đoàn kết và trung thành”. Chính bởi “tấm lòng rất gần ấy”, mặc dù Bác không có thời gian sống và hoạt động cách mạng như Cao Bằng, Thái Nguyên nhưng vẫn luôn theo dõi, chỉ đạo phong trào cách mạng Lai Châu, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác dân vận, với việc chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc Lai Châu.

Bước vào chiến dịch Tây Bắc (1952), để quân và dân Tây Bắc nói chung trong đó có Lai Châu vững tin bước vào chiến dịch, Bác đã gửi thư động viên cho bộ đội, đồng bào Tây Bắc: Thư gửi cán bộ và chiến sĩ chiến dịch Tây bắc (01/10/1952), Thư gửi các chiến sĩ dân công ở mặt trận Tây Bắc (01/10/1952), Thư gửi đồng bào và bộ đội Tây bắc (25/11/1953)… Khi những bức thư đến với cán bộ và dân công nơi tuyến đầu trận địa, lời động viên, căn dặn của Bác đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, sự động viên kịp thời để Tây Bắc phát huy nguồn hậu cần tại chỗ phục vụ cho chiến dịch. Qua đây cũng thể hiện sự tin tưởng của Người vào lòng yêu nước nồng nàn của Tây Bắc, trong đó có Nhân dân các dân tộc Lai Châu.

Đúng ngày thị trấn Lai Châu được giải phóng, ngày 12/12/1953, dù bận việc nhưng nhận được tin vui, Bác đã dành thời gian viết thư cho đồng bào và cán bộ Lai Châu. Bức thư ngắn gọn nhưng chứa đựng đầy tình cảm không chỉ là những lời thăm hỏi ân cần, tình thương yêu rất mực chân thành, sự cảm thông chia sẻ, khích lệ động viên mà còn là lời căn dặn ân tình của Người với những việc làm, những yêu cầu rất cụ thể. Trong thư Bác viết:

“Thân ái gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu.
Đã hơn 80 năm nay, đồng bào tỉnh nhà bị thực dân Pháp và Việt gian phản động áp bức, bóc lột, lừa bịp; chưa hề được hưởng hạnh phúc, độc lập, tự do như đồng bào các nơi khác. Tôi và Chính phủ luôn luôn thương xót đồng bào.
Ngày nay đồng bào đã được bộ đội Chính phủ giải phóng khỏi ách thực dân và phản động; tôi thay mặt Chính phủ thân ái gửi lời hỏi thăm đồng bào và cán bộ.
Sau đây tôi có mấy lời dặn đồng bào và cán bộ ghi nhớ và làm cho đúng:
  1- Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau.
  2- Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự.
  3- Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no.
  4- Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Còn đối với những người trước đây đã lầm đường theo giặc nếu trở về với Tổ quốc thì Chính phủ sẽ khoan hồng.
Cán bộ thì phải thật sự gần gũi giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.
Chúc đồng bào và cán bộ mạnh khoẻ và cố gắng.
Chào thân ái và quyết thắng”.

Nhân dân các dân tộc Lai Châu phấn khởi khi quê hương vừa được giải phóng lại vinh dự, xúc động trước tình cảm của Bác Hồ, dù bận trăm công, ngàn việc đại sự quốc gia vẫn ân cần quan tâm gửi thư cho đồng bào và cán bộ Lai Châu. Bức thư tuy ngắn, nhưng đã thể hiện sự quan tân sâu sắc của Bác, đã chỉ ra những nhiệm vụ cấp thiết của chính quyền cách mạng mới đó là tinh thần “đoàn kết”, “diệt phỉ, trừ gian”, là “tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no”, là “khoan hồng” với những người lầm đường, là lời căn dặn cán bộ phải “thật sự gần gũi Nhân dân, đặt lợi ích lên trên hết”. Lời căn dặn của Bác đã là động lực to lớn để cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc Lai Châu tin tưởng vào Đảng vào Chính phủ để xây dựng cuộc sống mới và góp sức người, sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi.

Khi Lai Châu thuộc khu tự trị Thái - Mèo (1955), Khu tự trị Tây Bắc (1962). Từ Trung ương, Bác Hồ vẫn luôn quan tâm theo dõi và dành tình cảm cho đồng bào và cán bộ Lai Châu, tất cả được thể hiện qua những bức thư của Bác gửi, tiêu biểu như: Thư gửi đồng bào khu tự trị Thái - Mèo nhân dịp kỷ niệm một năm ngày thành lập khu tự trị (7/5/1956); Thư gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ Tây Bắc (24/3/1958). Bác luôn quan tâm đến sự đoàn kết của đồng bào các dân tộc để lao động, sản xuất, đưa đời sống của đồng bào trở nên đầy đủ, ấm no, “Với sự đoàn kết và quyết tâm của mọi người Khu Tự trị Tây Bắc nhất định sẽ càng giàu có, đời sống nhân dân sẽ càng ngày đầy đủ, như vậy tức là góp phần củng cố Miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà”.

Sáng 07/5/1959, đúng vào Ngày kỷ niệm 5 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ lịch sử, tại sân vận động thủ phủ Khu tự trị Thái - Mèo (Thuận Châu) diễn ra cuộc mít tinh lớn chào mừng Bác Hồ và đoàn công tác Trung ương, trong bài nói chuyện Bác mong: “Đồng bào và cán bộ khu tự trị đã đoàn kết, phải đoàn kết hơn nữa, đã thi đua phải ra sức thi đua hơn nữa… để làm cho khu tự trị ngày càng giàu có, tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều ấm no, biết chữ, làm cho mọi người đều hưởng hạnh phúc, yên vui”. Những lời nói đầy ân tình, sự chỉ bảo của Bác thể hiện tình cảm sâu sắc với Nhân dân các dân tộc Tây Bắc, trong đó có Lai Châu tin tưởng vào Đảng, Chính phủ và Bác để phấn đấu xây dựng quê hương như Bác mong đợi.

Giai đoạn cả nước đang tập trung cho chiến trường Miền Nam chống Mỹ cứu nước, Bác vẫn dành thời gian theo dõi, nắm bắt tình hình Lai Châu, qua báo Lai Châu Bác đã biết những điển hình “Người tốt, việc tốt” và gửi tặng Huy hiệu của Người cho 6 cá nhân đó là cụ Trần Đình Lại có thành tích nuôi lợn, trâu, bò và thâm canh tăng năng xuất lúa; cụ Mùa A Chống, 76 tuổi có thành tích vận động dân bản và thu mua lương thực, thực phẩm; cụ Hảng Thị Da, 63 tuổi có thành tích trong phong trào bình dân học vụ; Thượng sỹ công an vũ trang Lò Văn Miên đã có thành tích cứu dân trong dòng nước lũ; công nhân Đào Duy Thoa đã có thành tích cải tiến lao động trong vận chuyển tre, gỗ; cháu Tống Thị Phấn đã có thành tích trong học tập và hăng hái tham gia bình dân học vụ… Có thể thấy, đây là sự quan tâm kịp thời của vị lãnh tụ đất nước với tấm gương lao động, sản xuất ở cơ sở, là nguồn động viên to lớn và quý giá đối với Nhân dân Lai Châu trong sự nghiệp xây dựng quê hương.

Ngày 8/3/1967, Bác Hồ tiếp Đoàn cán bộ tỉnh Lai Châu do đồng chí Nguyễn Văn Xã - Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đến thăm Người. Gặp gỡ đoàn cán bộ, Bác hỏi về tình hình Lai Châu, những câu hỏi thể hiện sự quan tâm, sẻ chia nhưng cũng đầy ý bảo ban nhắc nhở đồng bào và cán bộ Lai Châu phải ra sức thi đua thực hiện trong xây dựng cuộc sống mới: “Các dân tộc có đoàn kết không?”, “Đồng bào có no đủ không?”, “Tỉnh Lai Châu giải quyết xong nạn mù chữ chưa?”, “Hợp tác xã có thực hiện dân chủ không, tài chính có công khai không?”, “Việc bảo vệ trật tự bảo vệ trị an thế nào?”; ... Sau khi thăm hỏi tình hình sinh hoạt, ăn ở, và sản xuất của đồng bào các dân tộc, Người nhắc các đồng chí lãnh đạo tỉnh phải chú ý công tác vận động đồng bào nâng cao ý thức cảnh giác trước những thủ đoạn mới của địch. Cán bộ các cấp, các ngành phải biết dựa vào dân, tuyên truyền, giáo dục nhân dân đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, thực hiện dân chủ và chỉ đạo sản xuất cho tốt để đời sống của đồng bào các dân tộc ngày càng no ấm. Sau đó, Bác căn dặn:

1. Cán bộ từ trên xuống dưới là phải đoàn kết với nhau, thương yêu, giúp đỡ nhau, phải nâng cao ý thức phục vụ nhân dân được tốt hơn nữa, không được bắt nhân dân phục vụ mình, hết sức tránh tham ô, lãng phí, liên hoan chè chén.
2. Phải lãnh đạo sản xuất cho tốt, làm cho đời sống đồng bào các dân tộc ấm no, được học hành. Nếu để đồng bào dân tộc thiếu hụt, không được học hành là thiếu sót lớn, là không tốt.
3. Mọi việc làm phải qua thực hiện dân chủ, bàn bạc với quần chúng nhân dân, chớ có làm quan chủ”.
Cuối cùng Bác dặn: “Các chú về địa phương nói lại, Bác gửi lời hỏi thăm tới cán bộ, đảng viên, các cụ, các cháu thiếu niên, nhi đồng và đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu”.

Những lời căn dặn của Bác với cán bộ, Nhân dân Lai Châu thật ân cần, gần gũi và ấm áp, Bác căn dặn cán bộ phải đoàn kết, phải phục vụ nhân dân, phải lo làm cho đồng bào được ấm no, hạnh phúc, phải dân chủ. Lời thăm hỏi của Bác với đồng bào Lai Châu thật ân tình ấm áp, bên cạnh hỏi thăm cán bộ, đảng viên Bác cũng không quên thăm hỏi các cụ cao tuổi, các cháu thiếu niên, nhi đồng. Lời căn dặn của Bác vẫn còn nguyên giá trị với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của Lai Châu hiện nay. Từ lời căn dặn, hỏi thăm của Người toát lên tấm lòng bao la chan chứa vì dân vì nước của Bác - Lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Khắc ghi những tình cảm quý báu của Bác, đặc biệt lời căn dặn trong Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu (1953), lời căn dặn trong buổi gặp gỡ với đoàn cán bộ Lai Châu (1967), Những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khắc phục khó khăn, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 48,3 triệu đồng. Văn hóa, xã hội đạt kết quả tích cực, bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy; chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên; giảm nghèo nhanh, có 2 huyện được công nhận thoát nghèo (Than Uyên, Tân Uyên); an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; chính trị xã hội ổn định. Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên được nâng lên; truyền thống đoàn kết của đảng bộ và Nhân dân các dân tộc được củng cố, phát huy.

Để xứng đáng với những tình cảm đặc biệt mà Bác Hồ đã dành cho Lai Châu, thời gian tới Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững./.

Tác giả: Vũ Võ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản mới

Số: 47/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ

lượt xem: 5990 | lượt tải:125

Số: 46/2024/TT-BTC

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

lượt xem: 5633 | lượt tải:127

Số: 72/2024/NĐ-CP

Nghị định Quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội

lượt xem: 6639 | lượt tải:174

Số: 43/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh

lượt xem: 6583 | lượt tải:146

Số: 54/2024/NĐ-CP

Nghị dịnh Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

lượt xem: 7812 | lượt tải:288
  • Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V (2020-2025)

    Trong 2 ngày (27-28/7/2020) Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V...

hienphapvn
  • Đang truy cập88
  • Hôm nay21,741
  • Tháng hiện tại522,415
  • Tháng trước10,542,355
  • Tổng lượt truy cập35,552,022
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down