Những đóng góp của quân và dân Lai Châu trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Chủ nhật - 05/05/2019 21:374.5260
Ngày 7/5/1954 tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ “một pháo đài bất khả xâm phạm” của chủ nghĩa thực dân bị tiêu diệt hoàn toàn, góp phần quyết định vào việc kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong đó, quân và Nhân dân các dân tộc Lai châu tự hào đã đóng góp sức người, sức của vào chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Cách đây hơn 65 năm ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954. Nhận thức rõ được trách nhiệm của địa phương nơi thực hiện Chiến dịch, quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh quân và Nhân dân các dân tộc Lai Châu khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị phục vụ cho Chiến dịch. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch Điện Biên phủ và thực hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Địch muốn chủ động, ta buộc chúng phải lâm vào bị động, địch muốn tập trung quân cơ động thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán ra mà đánh”. Sau một thời gian khẩn trương làm tốt công tác chuẩn bị quân và dân Lai Châu đã phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức đánh địch, ngày 12/12/1953 Thị trấn Lai Châu được giải phóng.
Để thực hiện phương châm “huy động tại chỗ và tích cực vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến”, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban chuẩn bị chiến trường của tỉnh và các huyện. Nhiệm vụ của Ban chuẩn bị chiến trường là đi sâu vào vùng hậu địch tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch. Đồng thời, ra chỉ thị chỉ đạo các huyện đẩy mạnh tiết kiệm, tăng gia sản xuất để chống đói, vận động nhân dân không nấu rượu bằng gạo mà bằng sắn, chuối, hoa quả khác, chăn nuôi không nên dùng lương thực; vận động cán bộ các cơ quan, bộ đội ăn độn để làm gương cho Nhân dân. Việc huy động dân công phải tính toán cụ thể, tránh lãng phí nhân lực để tập trung vào tăng gia sản xuất. Ở tỉnh, huyện phân công các đồng chí ủy viên Ban Cán sự theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tăng gia sản xuất. Ở xã thành lập ban tăng gia sản xuất gồm các trung kiên và thành phần tích cực trong các đoàn thể, đại biểu của Ủy ban kháng chiến hành chính xã. Cán bộ được phân công đến từng bản, xã điều tra khả năng lương thực còn lại sau khi nộp thuế của dân để vận động bà con cho Nhà nước vay phục vụ chiến dịch. Những cố gắng trong tăng gia sản xuất của các huyện đã giải quyết được tình trạng thiếu ăn trong Nhân dân và đóng góp cho chiến dịch. Qua công tác vận động, nhân dân các huyện Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên, Thuận Châu đã cho Chính phủ vay 2.663,312 tấn gạo, bán 106,098 tấn thịt, 134,658 tấn rau, chặt được 25.070 cây gỗ lát đường, góp 147.542 ngày công phục vụ chiến trường. Riêng tuyến cung cấp Pa Nậm Cúm đã huy động được 3.000 dân công, 100 thuyền và 600 ngựa đi phục vụ chiến dịch. Qua công tác thuế nông nghiệp và phục vụ chiến dịch, tỉnh đã đào tạo được 137 cán bộ xã, 819 quần chúng trung kiên tại các thôn, bản.
Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” khắp các địa phương trong tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao, từ vùng tự do đến vùng mới giải phóng, đồng bào các dân tộc đã nô nức tham gia tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến dịch. Phụ nữ các dân tộc Lai Châu xưa nay chỉ quen với việc quay sợi, dệt vải, nội trợ gia đình nay theo tiếng gọi của Đảng cũng đã hăng hái lên đường, chẳng quản bom đạn, hy sinh vất vả cùng nam giới làm đường, gánh gạo, tải thương. Để có gạo phục vụ chiến dịch, đồng bào các dân tộc đã giã gạo vào cả ban đêm, việc mà trước đây kiêng cữ, kể cả nam giới cũng tham gia giã gạo (trước đây việc này chỉ có phụ nữ làm). Có nhiều gia đình còn mang cả ngựa của nhà đi chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ từ 1 đến 2 tháng. Nhiều người đã hết thời gian theo phục vụ quy định nhưng vẫn tình nguyện ở lại, ngày đêm cùng bộ đội lăn lộn trên các tuyến đường. Đặc biệt trên tuyến đường sông Nậm Na chuyển tiếp lương thực, thực phẩm từ Phong Thổ về Lai Châu - Điện Biên Phủ. Nhân dân và du kích địa phương dọc hai bên bờ sông Nậm Na đã không quản ngại khó khăn, vất vả ngày đêm dốc hết tâm trí và lực lượng cùng bộ đội và các đoàn vận tải vượt thác đảm bảo an toàn cho hàng nghìn chuyến bè, mảng vận chuyển lương thực, thực phẩm để cung cấp cho mặt trận. Ban Cán sự Đảng tỉnh phân vùng và đề ra nhiệm vụ cho từng vùng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ: vùng địch chiếm đóng phân công các đồng chí ủy viên phụ trách từng khu vực để nắm dân, nắm tình hình địch, gây dựng lại cơ sở, chỉ đạo bộ đội địa phương, dân quân, du kích tổ chức phục kích, chặn đánh những cuộc hành quân càn quét của địch vào phía ta, tuyên truyền vận động nhân dân ủng hộ, giúp đỡ bộ đội. Vì vậy, mặc dù đời sống nhân dân vùng địch tạm chiến vô cùng gian khổ nhưng trước khi bị địch dồn đến các nơi tập trung, đồng bào đã đuổi gia súc, gia cầm vào rừng và báo cho bộ đội cứ bắt lấy để nuôi quân không để cho địch cướp. Đồng bào phía tây Điện Biên khi cán bộ đến mua thóc cho Chính phủ đã đồng ý cho họ muốn lấy bao nhiêu thì lấy để cho bộ đội ăn no đánh giặc, có ngày bộ đội đã huy động được hàng trăm tấn gạo. Đồng bào Mông vùng cao Điện Biên đã đi bộ cả ngày để mang lợn về bán cho bộ đội, tăng thêm thực phẩm để nuôi quân. Vùng ngoài (tức vùng giải phóng), phân công cán bộ địa phương bám sát cơ sở, bám sát địa bàn tuyên truyền, vận động Nhân dân đón tiếp, giúp đỡ các đoàn dân công qua lại và gánh tiếp lương thực, thực phẩm đến các địa điểm quy định, đồng thời tích cực tăng gia lao động sản xuất lương thực, thực phẩm chống đói và tiết kiệm để cung cấp cho mặt trận.
Giữa lúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch Điện Biên Phủ thì từ phía địch, để đỡ đòn cho Điện Biên Phủ và âm mưu trở lại chiếm đóng lâu dài Lai Châu, thực dân Pháp đã tiến hành tổ chức lực lượng phỉ trên quy mô lớn ở các huyện phía bắc của tỉnh vừa mới giải phóng. Đến hết tháng 2/1954, hầu hết các khu vực phía bắc Lai Châu từ Mù Su, Mù Cả, Mường Tè, Mường Nhé, Mường Chà... đều bị phỉ chiếm đóng với khoảng 500 tên dưới sự chỉ huy của tên Đào Gia Trụ (Quốc dân Đảng) và tên Rooghe (Pháp).
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Khu ủy Tây Bắc, Ban Cán sự Đảng Lai Châu xác định công tác tiễu phỉ là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh trong thời gian trước mắt để quân chủ lực rảnh tay đánh địch ở Điện Biên Phủ. Với phương châm “chính trị, quân sự phải đi đôi, lấy chính trị làm chủ yếu, quân sự làm áp lực quan trọng” kiên quyết trừng trị bọn đầu sỏ ngoan cố, khoan hồng đối với những người lầm đường, lạc lối, hạ vũ khí đầu hàng. Cán bộ, bộ đội địa phương đã đi sâu vào dân, thực hiện ba cùng với nhân dân, tổ chức tố khổ, vạch tội ác của giặc Pháp và tay sai hại nước, hại dân; tuyên truyền, giải thích chính sách khoan hồng của Chính phủ, đồng thời kêu gọi bọn phỉ nộp vũ khí đầu hàng. Qua đó đã làm cho nhân dân càng căm thù giặc Pháp và bọn tay sai, tự nguyện giúp đỡ, ủng hộ cán bộ, bộ đội để tiễu phỉ. Được giác ngộ, nhiều gia đình đã tự giác vào rừng gọi chồng, con, em bỏ hàng ngũ phỉ mang súng về với cách mạng. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương được dân quân, du kích và đồng bào dẫn đường đã hành quân xuyên rừng, vượt núi, hình thành thế bao vây, chia cắt các khu vực phỉ tập trung, kết hợp triệt đường tiếp tế với dùng loa gọi hàng, làm cho phỉ hoang mang, hoảng loạn, lực lượng tan vỡ dần. Cuối tháng 4/1954 giữa lúc quân ta đang khẩn trương mở cuộc tổng công kích tiêu diệt toàn bộ cứ điểm Điện Biên Phủ thì quân, dân Lai Châu cũng đánh tan hầu hết các cụm phỉ lớn. Thắng lợi của công tác tiễu phỉ của quân và dân Lai Châu là sự phối hợp nhịp nhàng với mặt trận Điện Biên Phủ, tiêu diệt một bộ phận lực lượng quan trọng vòng ngoài của địch, góp phần vào chiến thắng chung của Chiến dịch.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ đã chứng minh một chân lý của thời đại “một dân tộc dù nhỏ bé, nếu biết quyết tâm, đoàn kết chiến đấu và có đường lối đúng thì có thể đánh bại bất cứ tên đế quốc sừng sỏ nào”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” chúng ta đã động viên được sức mạnh của toàn quân, toàn dân, từ tiền tuyến đến hậu phương vào trận quyết chiến Điện Biên phủ. Đảng bộ, quân và Nhân dân các dân tộc Lai Châu tự hào đã có những đóng góp vào chiến thắng chung của cả dân tộc. Tổng kết Chiến dịch Điện Biên Phủ Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp được 2.666 tấn gạo (vượt 64 tấn), 226 tấn thịt (vượt 43 tấn), 210 tấn rau xanh, huy động được 16.972 dân công tính ra ngày công bằng 568.139 ngày, 348 ngựa thồ, 62 thuyền, hàng trăm mảng, góp 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua. Toàn tỉnh đã có 700 cá nhân, 9 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương và Khu ủy Tây Bắc tặng Bằng khen về công tác phục vụ Chiến dịch.
Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ Anh hùng, 65 năm qua Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất, xây dựng Lai Châu chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, nhất là sau 15 năm chia tách và thành lập tỉnh Lai Châu mới. Dù còn nhiều khó khăn, song với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, Lai châu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế phát triển nhanh, tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm đạt 13%; thu ngân sách trên địa bàn năm 2018 đạt trên 2.100 tỷ đồng, gấp 84 lần so với năm 2004; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt trên 32 triệu đồng; đã có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm trên 30% tổng số xã trong tỉnh. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống Nhân dân các dân tộc được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Quốc phòng - an ninh được xây dựng vững chắc, chủ quyền biên giới Quốc gia luôn ổn định và được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng. Chính trị ổn định, khối đoàn kết toàn dân được tăng cường. Bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể lớn mạnh, trưởng thành; năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả hoạt động của chính quyền, đoàn thể được nâng lên. Lai Châu đã từng bước vượt qua tình trạng đặc biệt khó khăn và tình trạng kém phát triển, đang tiến lên từng bước vững chắc, phấn đấu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2020.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là sức mạnh cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa chặng đường mới. Phát huy truyền thống và niềm tự hào từ những đóng góp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc Lai Châu quyết tâm xây dựng Lai Châu phát triển toàn diện và bền vững trong giai đoạn tiếp theo./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế