Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Theo Hiệp định, sau 2 năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ với ý đồ xâm lược Việt Nam từ lâu, đã lợi dụng cơ hội, gạt Pháp ra, nhảy vào tổ chức, chỉ huy, thông qua chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, Mỹ tập trung thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng” đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành Luật 10/59 biến miền Nam thành nhà tù, trại giam, trại tập trung, cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.
Cả dân tộc ta lại bước vào chiến đấu chống xâm lược mới, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ.
Trong suốt hành trình 21 năm trường kỳ chống Mỹ, cứu nước, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã kết thành một khối thống nhất, huy động tối đa sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, với những cách đánh thông minh, mưu trí, dũng cảm quân và dân ta lần lượt đánh bại âm mưu và các chiến lược lớn của Mỹ, Ngụy: Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965); Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968) và chiến tranh phá hoại lần 1 của Mỹ ở miền Bắc; Chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” (1969-1973) và chiến tranh phá hoại lần 2 của Mỹ ở miền Bắc thất bại buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (1973), rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, làm tương quan lực lượng thay đổi có lợi cho ta, tạo điều kiện để tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, giành thắng lợi cuối cùng.
Sau khi hoàn thành chuẩn bị chiến lược cả về thế và lực, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được tiến hành từ ngày 4/3/1975 với các chiến dịch: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá chiến lược đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; hai chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định với nhiều bước phát triển nhảy vọt.
Từ nhận định dù Mỹ có chi viện cũng không cứu vãn được sự sụp đổ của quân ngụy, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, trước mùa mưa, không thể để chậm.
Ngày 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh ra lệnh động viên “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ thời gian từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
Ngày 14/4/1975, theo đề nghị của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh chiến dịch và Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta được lệnh tổng công kích; 5 cánh quân đồng loạt tiến công trên 5 hướng, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch.
Trước cuộc tiến công như vũ bão của quân và dân ta, 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng không điều kiện, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc tòa nhà chính của Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc. Chúng ta đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây cũng là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên, khích lệ các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.
Ngược dòng lịch sử, hòa chung với khí thế cách mạng sục sôi của cả dân tộc, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ cứu nước ngày 17/7/1966 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu phát huy truyền thống quyết chiến, quyết thắng Điện Biên Phủ anh hùng, quán triệt và triển khai thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: vừa kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam; vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc…
Để chi viện cho chiến trường miền Nam, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc đã động viên hàng vạn con em lên đường ra mặt trận chiến đấu tại các chiến trường B, chiến trường C với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; thanh niên các dân tộc Lai Châu thực hiện tốt phong trào “Ba sẵn sàng”. Từ cuối năm 1965 đến năm 1968 máy bay Mỹ liên tục đánh phá, gây nhiều tội ác với đồng bào các dân tộc, song với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, không khuất phục trước kẻ thù, quân và dân Lai Châu sẵn sàng chia lửa với quân và dân miền Nam, tổ chức đánh máy bay Mỹ hàng trăm trận, bắn rơi 14 chiếc và làm bị thương nhiều chiếc khác. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, tỉnh còn huy động được hàng chục vạn ngày công mở các tuyến đường chiến lược, vận chuyển lương thực, vũ khí ra chiến trường, giúp bộ đội đào hầm, hào, di chuyển trận địa pháo.
Lực lượng vũ trang Lai Châu đã phối hợp với lực lượng vũ trang Lào đánh 71 trận, tiêu diệt và gọi ra hàng 600 tên địch, thu 400 khẩu súng các loại và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng khác; Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã giúp bạn 19 vạn ngày công phục vụ chiến đấu.
Từ những thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước quân và dân Lai Châu đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương và tặng nhiều phần thưởng cao quý: 2 lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Cờ thưởng luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; 4 tập thể, 5 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, Lai Châu cùng cả nước tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ xuất phát điểm là tỉnh đặc biệt khó khăn, năm 1975, Đảng bộ tỉnh có 16 đảng bộ trực thuộc và 8.000 đảng viên; sản lượng lương thực đạt 9 vạn tấn; toàn tỉnh có 1.100km đường ô tô. Đến năm 2024, Lai Châu đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 2.300 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 56,2 triệu đồng; có 44/106 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 226.100 tấn; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 52%, toàn tỉnh có trên 7.390km đường bộ, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 97%; trên 93% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 99% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch. Các hoạt động văn hóa – xã hội được quan tâm đầu tư, phát triển.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; tổ chức bộ máy các cấp được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cơ bản đảm bảo về số lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, gắn bó, tận tụy với Nhân dân, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Kế thừa và tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, phát huy tinh thần cách mạng tiến công của Chiến thắng lịch sử 30/4 và những thành tựu đạt được trong 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Lai Châu tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra với tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển” xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh và bền vững, cùng cả nước vững bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tác giả: Hoàng Hợi