Ngược dòng lịch sử, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm và phương án tác chiến, Hội nghị đã nghiên cứu, phân tích tình hình và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954. Đây là một chiến dịch lớn có tầm chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với cả quốc tế. Vì vậy toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải tập trung đánh cho kỳ được”.
Việc đảm bảo sức người, sức của trong chiến dịch theo phương châm “huy động tại chỗ và tích cực vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến”. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, quân và dân cả nước đã dồn sức người, sức của để phục vụ cho chiến dịch. Các chiến trường toàn quốc tích cực đánh địch phối hợp với Điện Biên Phủ.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, Tướng Đờ Caxtơri (De Castries) và toàn bộ Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Tập đoàn cứ điểm “một pháo đài bất khả xâm phạm” của chủ nghĩa thực dân bị tiêu diệt hoàn toàn, 16.200 tên địch bị ta tiêu diệt và bắt sống, cùng với toàn bộ vũ khí, kho tàng, đạn dược, quân trang, quân dụng, góp phần quyết định vào việc kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của cả dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Bắc nước ta.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến lớn. Thực hiện phương châm “huy động tại chỗ và tích cực vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến”, Ban Cán sự Đảng tỉnh Lai Châu xác định: cần động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh với nỗ lực cao nhất góp phần cùng cả nước thực hiện bằng được quyết tâm của Đảng. Công tác trọng tâm của tỉnh lúc này là phục vụ tiền tuyến, xây dựng vùng mới giải phóng và tăng gia sản xuất để chống đói. Thi hành Chỉ thị Chuẩn bị chiến trường, tỉnh đã thành lập Ban chuẩn bị chiến trường của tỉnh và các huyện, với nhiệm vụ là đi sâu vào vùng hậu địch tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch.
Để chuẩn bị lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến dịch, tháng 2 năm 1954, tỉnh ra Chỉ thị cho các huyện nhiệm vụ đẩy mạnh tiết kiệm, tăng gia sản xuất để chống đói, có lương thực, thực phẩm không nấu rượu bằng gạo mà bằng sắn, chuối, hoa quả khác, chăn nuôi không nên dùng lương thực; vận động cán bộ các cơ quan, bộ đội ăn độn để làm gương cho nhân dân. Việc huy động dân công phải tính toán cụ thể, tránh lãng phí nhân lực để tập trung vào tăng gia sản xuất. Ở tỉnh, huyện phân công các đồng chí ủy viên Ban Cán sự theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tăng gia sản xuất. Ở xã thành lập ban tăng gia sản xuất. Các cán bộ được phân công đến từng bản, xã điều tra khả năng lương thực còn lại sau khi nộp thuế của dân để vận động bà con cho Nhà nước vay phục vụ chiến dịch. Những cố gắng trong tăng gia sản xuất của các huyện đã giải quyết được tình trạng thiếu ăn trong nhân dân và đóng góp cho chiến dịch.
Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” khắp các địa phương trong tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao, từ vùng tự do đến vùng mới giải phóng, đồng bào các dân tộc đã nô nức tham gia tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến dịch. Phụ nữ các dân tộc Lai Châu xưa nay chỉ quen với công việc quay sợi, dệt vải, nội trợ gia đình nay theo tiếng gọi của Đảng cũng hăng hái lên đường, chẳng quản bom đạn, hy sinh vất vả cùng với nam giới làm đường, gánh gạo, tải thương...
Có nhiều gia đình còn mang cả ngựa đi chở vũ khí, đạn được, lương thực, thực phẩm phục vụ từ 1 đến 2 tháng, hết thời gian phục vụ vẫn tình nguyện ngày đêm cùng bộ đội lăn lộn trên khắp các tuyến đường.
Mặc dù đời sống nhân dân vùng địch tạm chiến vô cùng gian khổ nhưng trước khi bị địch dồn đến các nơi tập trung, đồng bào đã đuổi gia súc, gia cầm vào rừng và báo cho bộ đội cứ bắt lấy để nuôi quân không chịu để cho địch cướp. Đồng bào phía tây Điện Biên khi cán bộ đến mua thóc cho Chính phủ đã đồng ý cho họ muốn lấy bao nhiêu thì lấy để cho bộ đội ăn no đánh giặc, có ngày bộ đội đã huy động được hàng trăm tấn gạo.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Lai Châu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Để góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp 2.666 tấn gạo (vượt 64 tấn), 226 tấn thịt (vượt 43 tấn), 210 tấn rau xanh, huy động được 16.972 dân công tính ra ngày công bằng 568.139 ngày, 348 ngựa thồ, 62 thuyền, hàng trăm mảng, góp 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua. Những cân gạo, thịt, rau được huy động tại chỗ đã phục vụ nhanh chóng, kịp thời tại chỗ cho quân ta.
Từ những thành tích đạt được trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu có 700 cá nhân xuất sắc, 9 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương và Khu ủy Tây Bắc tặng Bằng khen về công tác phục vụ chiến dịch.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là sức mạnh cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Truyền thống yêu nước, anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc luôn được Đảng bộ, quân và dân Lai Châu giữ gìn và phát huy để góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào; nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, anh dũng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước.
Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng Điện Biên Phủ anh hùng, 71 năm qua, Đảng bộ, chính quyền Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách xây dựng tỉnh Lai Châu ngày càng phát triển. Đặc biệt, trải qua hơn 20 năm chia tách, thành lập, bằng sự quyết tâm, ý chí vươn lên, Lai Châu đã đạt những thành tựu nổi bật. Kinh tế phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 20 năm đạt trên 9%/năm; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng 80 lần, từ 31 tỷ đồng lên trên 2.500 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng 25 lần, từ 2,2 triệu đồng lên trên 56,2 triệu đồng. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc với 44/106 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 52%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 97%. Các hoạt động văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư, phát triển...
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; tổ chức bộ máy các cấp được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cơ bản đảm bảo về số lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, gắn bó, tận tụy với Nhân dân, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ./.