Là tỉnh miền núi biên giới có 20 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa truyền thống riêng biệt, đã tạo cho Lai Châu một nền văn hóa độc đáo, phong phú. Trong những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh miền núi, Lai Châu đã đạt được những thành tựu to lớn, từng bước ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tình trạng kém phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần được nâng lên. Tuy nhiên, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tuy đã được quan tâm bảo tồn, phát huy, song một số hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại trong đời sống đồng bào, thậm chí một số nơi còn rất nặng nề, như: tục thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tang ma, mê tín dị đoan, tin vào bùa ngải, thầy mo, thầy cúng khi ốm đau... tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến lao động sản xuất, gây mất an ninh trật tự.
Nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, đẩy lùi các hủ tục, lạc hậu, nhất là việc ban hành Đề án "Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số các huyện biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020", Đề án “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”; chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện các đề tài khoa học, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc như (bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Mông; phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số...).
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu chỉ đạo, định hướng các ngành trong khối tư tưởng, văn hoá, hệ thống tuyên giáo các cấp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, hướng trọng tâm về cơ sở. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số (tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội của các dân tộc thiểu số, ẩm thực...). Tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các luật tục lạc hậu, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bài trừ mê tín, dị đoan, thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch... Hệ thống tuyên giáo các cấp duy trì thường xuyên hội nghị báo cáo viên, thông tin thời sự định kỳ hằng tháng; giao ban báo chí hằng quý, phối hợp tuyên truyền trong các buổi họp báo; biên tập các loại tài liệu thông tin chuyên đề, thông tin phục vụ lãnh đạo, sinh hoạt chi bộ; biên soạn, xuất bản hàng chục nghìn tờ rơi, tờ gấp, tài liệu hỏi - đáp về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ tuyên truyền trong vùng đồng bào các dân tộc. Các cơ quan báo chí tỉnh thực hiện tăng kỳ, nâng cao chất lượng báo ảnh phục vụ đồng bào vùng cao; duy trì chuyên mục “Gương sáng bản mường”, “Phổ biến chính sách mới”, “Vì chủ quyền an ninh biên giới”... đồng thời biên dịch tuyên truyền trên sóng phát thanh - truyền hình 4 thứ tiếng dân tộc (Thái, Mông, Dao, Hà Nhì); tuyên truyền lồng ghép thông qua các hội nghị ở thôn, bản, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, tranh thủ vai trò của những người có uy tín trong công tác vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của các hủ tục lạc hậu, nạn mê tín dị đoan...
Thông qua việc tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ để người dân được tiếp cận những nét văn hóa mới, tiến bộ; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tự giác xóa bỏ các hủ tục lạc hậu... qua đó nhận thức của phần lớn người dân đã được nâng lên, đặc biệt đã ý thức được mặt trái của các hủ tục, dần thay đổi nếp sống, cách nghĩ. Đến nay, cơ bản đồng bào các dân tộc thiểu số đã biết chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, sản lượng và giá trị cao vào sản xuất; thực hiện nếp sống văn hoá, ăn, ở hợp vệ sinh, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhận cận huyết; một số hủ tục từng bước được loại bỏ dần...
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền đẩy lùi các hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém: Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc chưa nhận đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới, vì vậy chưa thường xuyên quan tâm tới công tác này. Công tác nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội trong cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, địa bàn có đồng bào theo đạo, phức tạp, nhạy cảm... có nơi, có thời điểm chưa kịp thời và thường xuyên. Việc quản lý an ninh tư tưởng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ dẫn đến nhiều sản phẩm văn hóa ngoài luồng, một số tài liệu có nội dung chính trị xấu, phản động, lôi kéo mê tín, dị đoan, theo đạo lạ, tà đạo còn xâm nhập vào địa bàn song chậm bị phát hiện, ngăn chặn; hoạt động tuyên truyền đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc của các thế lực thù địch còn thụ động, chưa kịp thời. Việc biên soạn, biên dịch các tài liệu, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước còn hạn chế, tài liệu tuyên truyền còn dài, có nội dung chưa phù hợp; hình thức tuyên truyền chưa phong phú, chưa phù hợp với đặc điểm tâm lý, trình độ đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vì vậy hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở chưa chủ động trong hoạt động tuyên truyền, vận động; chưa thực sự am hiểu phong tục tập quán, giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, bất đồng ngôn ngữ nên tuyên truyền chưa có tính thuyết phục cao, chưa thu hút và lôi cuốn được sự quan tâm của đồng bào.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền góp phần đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số về các chủ trương, chính sách mới của Đảng; vận động, giáo dục, thuyết phục đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo truyền thống của dân tộc mình, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người tiêu biểu có uy tín ở thôn, bản và đội ngũ cán bộ đang công tác tại cơ sở đưa chủ trương, chính sách đến với đồng bào, để đồng bào tin và ra sức thực hiện.
Hai là, chủ động, thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là những vấn đề bức xúc trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số để kịp thời tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền có các giải pháp tư tưởng, nhất là những vấn đề nhạy cảm, không tin, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, di cư tự do, mê tín dị đoan, theo đạo lạ, tà đạo....
Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên mục tìm hiểu chính sách dân tộc, tôn giáo trên Báo, Đài; nhất là tuyên truyền trên báo dành cho đồng bào vùng cao, phát thanh - truyền hình tiếng dân tộc; hệ thống loa truyền thanh không dây tại cơ sở (dưới hình thức song ngữ). Nghiên cứu việc chuyển thể (sân khấu hoá) một số nội dung tuyên truyền đấu tranh đẩy lùi các phong tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, sai trái. Phát huy thế mạnh công tác tuyên truyền miệng, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền lưu động, chiếu bóng vùng cao. Lựa chọn nội dung thiết thực, phù hợp với trình độ nhận thức và nhu cầu thông tin của đồng bào, đảm bảo đúng định hướng tư tưởng của Đảng và Nhà nước.
Bốn là, quan tâm, xây dựng các thiết chế văn hóa, duy trì việc tổ chức các hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống các dân tộc. Tuyên truyền về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, gương người tốt, việc tốt, tích cực lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, thực hiện nếp sống văn minh, tinh thần đoàn kết dân tộc... qua đó giúp đồng bào các dân tộc thêm tin tưởng, phấn khởi, tự hào, tích cực tham gia lưu giữ, bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, tích cực lao động sản xuất.
Năm là, tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào các dân tộc, nhất là công tác xoá đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh ở cơ sở./.