Tham gia Đoàn Giám sát có các đồng chí: Lê Thị Đức Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam; lãnh đạo các phòng, ban thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng CSXH Việt Nam.
Tiếp và làm việc với Đoàn Giám sát có các đồng chí: Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Sỹ Cảnh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Lai Châu; Ngân hàng CSXH tỉnh; UBND các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ.
Trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH; đồng thời, tích hợp các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Giai đoạn 2014 - 2022, ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn đạt 120.950 triệu đồng; lũy kế từ năm 2011 đến cuối năm 2022 đạt 132.950 triệu đồng.
Hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện tốt công tác rà soát, bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Giai đoạn 2014 - 2022, doanh số cho vay đạt trên 6.305 tỷ đồng với 163.755 lượt khách hàng vay vốn; doanh số thu hồi nợ đạt hơn 3.930 tỷ đồng. Trong đó có 40.349 hộ được vay vốn đã vượt qua ngưỡng nghèo.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ đạt trên 3.208 tỷ đồng; tỷ lệ thu nợ đến hạn hằng năm đạt trên 90%.
Các nguồn tín dụng chính sách được quản lý, sử dụng hiệu quả, giúp các đối tượng chính sách kịp thời tiếp cận vốn vay, phục vụ sản xuất, tạo việc làm và tham gia học tập. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tại buổi làm việc tỉnh có một số đề xuất, kiến nghị như: Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu tăng định mức và mở rộng các đối tượng cho vay vốn; đề nghị Ngân hàng CSXH Việt Nam quan tâm phân bổ nguồn vốn chương trình tạo việc làm...
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc các thành viên trong Đoàn Giám sát chia sẻ với những khó khăn của tỉnh; nhấn mạnh thêm tầm quan trọng và vai trò của Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; qua đi thực tế tại cơ sở Đoàn cho rằng, tỉnh đã triển khai thực hiện nguồn vốn tín dụng hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị tỉnh cần làm rõ một số nội dung như: đặc thù của tỉnh; tình hình thực hiện nguồn vốn hiện nay; việc lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn; kinh nghiệm thực hiện vay vốn có hiệu quả; chất lượng của các tổ vay vốn; các mô hình thành công trong việc sử dụng vốn vay...
Trên cơ sở các ý kiến của Đoàn Giám sát, đại diện các sở, ban, ngành tỉnh đã giải trình, làm rõ các nội dung.
Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Vũ Mạnh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tiếp thu và ghi nhận những ý kiến đóng góp của Đoàn Giám sát; từ đây tỉnh sẽ có những giải pháp có hiệu quả hơn trong việc triển khai thực hiện tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới Tỉnh ủy sẽ tiếp tục lãnh, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH trong việc huy động, sử dụng hiệu quả các chính sách tín dụng xã hội; thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát hoạt động ủy thác theo quy định, góp phần thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Kết luận tại buổi làm việc đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Đoàn Giám sát ghi nhận những kết quả tích cực mà tỉnh Lai Châu đã đạt được trong việc triển khai thực hiện tín dụng CSXH như tỷ lệ nợ quá hạn thấp; số hộ được vay vốn thoát nghèo cao; nhiều mô hình hay, sáng tạo; triển khai nhiều giải pháp để thực hiện... Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới đề nghị tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng CSXH; tăng cường vai trò lãnh, chỉ đạo của cấp chính quyền các cấp; rà soát lại các nguồn quỹ đang thực hiện; đối với các kiến nghị của tỉnh Đoàn sẽ tiếp thu và báo cáo lên các bộ ngành Trung ương./.