Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào - Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; các đồng chí thường trực các tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố, văn phòng tỉnh ủy, văn phòng UBND, sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc; các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng thực chữ ký số, xác thực điện tử, an toàn thông tin mạng và các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan. Về phía tỉnh Lai Châu có đồng chí Tống Thanh Hải - UVBTVTU, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; các đồng chí: Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.
Tại hội nghị các đại biểu được nghe báo cáo đánh giá kết quả ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động của cơ quan Đảng và Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội; tổng quan mô hình dịch vụ chứng thực chữ ký số của Việt Nam, hành lang pháp lý tổ chức chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; thực trạng và giải pháp thực hiện chứng thực điện tử tại Việt Nam; các ý kiến tham gia thảo luận của các tỉnh ủy, UBND; sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố.
Tính đến hết quý II/2019, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cung cấp trên 220.000 chứng thư số cho 95 tổ chức bao gồm: Văn phòng Trung ương Đảng, 31 bộ, cơ quan ngang bộ và 63 địa phương; 351 chứng thư số cho lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Đến nay các cơ quan bộ, ngành, địa phương đã triển khai tích hợp chữ ký số vào hệ thống điều hành tác nghiệp, kết nối liên thông giữa Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Trung ương Đảng trên trục liên thông văn bản quốc gia. Các tỉnh ủy, thành ủy và cơ quan Đảng ở Trung ương đã ban hành quy định về quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng và nhiều văn bản triển khai chữ ký số chuyên dùng. Việc áp dụng chữ ký số trong hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước bước đầu đã làm thay đổi phương thức, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đối với người làm công tác quản lý, lãnh đạo, nâng cao hiệu quả trong xử lý văn bản, giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm tối đa chi phí văn phòng phẩm, đặc biệt là đảm bảo được tính xác thực, tính toàn vẹn, tính chống chối bỏ đối với các văn bản khi phát hành qua môi trường mạng phục vụ các hoạt động điều hành tác nghiệp, các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan Đảng, Nhà nước...
Để đảm bảo an ninh, an toàn, cho hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan Đảng và Nhà nước, tại hội nghị đã đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội như: tăng cường rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý về chữ ký số; đồng bộ về thể thức văn bản điện tử có ký số, quy trình, kỹ thuật giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chữ ký số, tính pháp lý và lợi ích của ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chữ ký số cho các cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng và Nhà nước.../.