Khát vọng chính là yếu tố tinh thần, là sự mong muốn, khao khát, quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ để đạt cho được mục tiêu; là nguồn động lực có sức mạnh vô biên để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện những nhiệm vụ nặng nề nhằm đạt được ước mơ … là động lực để cho mọi tầng lớp nhân dân đem hết sức mình thực hiện cho được mục tiêu xây dựng phát triển quê hương, đất nước, mà cụ thể ở thời điểm này khát vọng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước, cùng với nhân dân cả nước thực hiện khát vọng đưa đất nước đi tới phồn vinh, hùng cường và hạnh phúc, sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới.
Nằm phía Tây Bắc của Tổ quốc tỉnh Lai Châu có nhiều dân tộc cùng sinh sống, với vị trí quan trọng trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được coi là “phên dậu của Tổ quốc”. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Nhân dân các dân tộc Lai Châu luôn phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tạo nên sức mạnh nội sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia và xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Trong các cuộc chống ngoại xâm, với khát vọng độc lập và tự do, Nhân dân các dân tộc Lai Châu không phân chia dân tộc cùng đoàn kết, sát cánh bên nhau đánh đuổi quân xâm lược. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống pháp, chống Mỹ cứu nước, với khát vọng không có gì quý hơn độc lập tự do và niềm tin tất thắng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân các dân tộc Lai Châu nhất tề đứng lên bằng tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” khắp các địa phương trong tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao, từ vùng tự do đến vùng mới giải phóng, đồng bào các dân tộc đã tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Hàng vạn thanh niên các dân tộc hăng hái lên đường ra trận đánh giặc; phụ nữ các dân tộc Lai Châu xưa nay chỉ quen với việc quay sợi, dệt vải, nội trợ gia đình nay theo tiếng gọi của Đảng cũng đã hăng hái lên đường, chẳng quản bom đạn, hy sinh vất vả cùng nam giới làm đường, gánh gạo, tải thương. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, để có gạo phục vụ chiến dịch, đồng bào các dân tộc đã giã gạo vào cả ban đêm, việc mà trước đây kiêng cữ, kể cả nam giới cũng tham gia giã gạo (trước đây việc này chỉ có phụ nữ làm). Có nhiều gia đình còn mang cả ngựa của nhà đi chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm; nhiều người đã hết thời gian phục vụ nhưng vẫn tình nguyện ở lại, ngày đêm cùng bộ đội lăn lộn trên các tuyến đường. Cùng với đó là sự cố gắng hết sức mình, nỗ lực tăng gia sản xuất, đóng góp nhiều công sức, vật lực cho kháng chiến, giúp đỡ cán bộ, bộ đội, góp phần cùng với quân, dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 và giải phòng hoàn toàn miền nam thống nhất Tổ quốc năm 1975.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Ðó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, với tinh thần, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, Nhân dân các dân tộc Lai Châu cùng nhau đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lao động sáng tạo, ra sức tăng gia sản xuất, tiết kiệm, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng phát triển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc. Đặc biệt sau 17 năm chia tách và thành lập tỉnh Lai Châu mới. Trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội thấp kém, lạc hậu, tỷ lệ đói nghèo cao; điều kiện, phương tiện làm việc, tổ chức bộ máy và cán bộ đang từng bước kiện toàn, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Phát huy truyền thống Điện Biên phủ Anh hùng, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Lai Châu đoàn kết, thống nhất vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, gia trại đem lại lợi nhuận kinh tế cao, đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lai Châu nhanh và khá toàn diện, bình quân giai đoạn 2004 - 2020 đạt trên 11%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt trên 40 triệu đồng, tăng gấp hơn 13 lần so với năm 2004; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 2.000 tỷ đồng, gấp hơn 62 lần; đến nay đã có 02 huyện, thành phố, 39 xã trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 61,3% năm 2005 xuống còn trên 16% vào năm 2020. Văn hóa - xã hội không ngừng phát triển, đời sống của Nhân dân các dân tộc được cao cả về vật chất và tinh thần. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; chủ quyền biên giới Quốc gia được giữ vững. Lai Châu từng bước ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn năm 2010 và tình trạng kém phát triển năm 2015.
Trước yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định mục tiêu: “… xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước”. Việc xác định mục tiêu phát triển của tỉnh tại Đại hội lần này có ý nghĩa quan trọng, với tầm nhìn dài hạn, là sự kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm được rút ra từ quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương trong thời gian qua của Đảng bộ tỉnh và đảm bảo tính thực tiễn, tính khả thi.
Để chuyển hóa mục tiêu đó thành hiện thực, một trong những tiềm lực cần gia tăng là phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đoàn kết các dân tộc và khát vọng vươn lên xây dựng quê hương của Nhân dân các dân tộc Lai Châu. Trong đó, các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, sâu sát. Bộ máy chính quyền các cấp cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Xây dựng nền hành chính từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội, phát triển kinh tế. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tập hợp, vận động các tầng lớp Nhân dân tăng cường đoàn kết, hăng hái thi đua vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, trách nhiệm cùng đồng bào củng cố, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Chúng ta tin tưởng rằng, muôn dân đoàn kết một lòng cùng hướng về mục tiêu xây dựng và phát triển quê hương giàu mạnh, cùng với sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp với tinh thần cống hiến tận tâm, tận lực, không ngại khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tâm huyết, năng động, sáng tạo vì sự nghiệp chung, thì nhất định mục tiêu đến năm 2030 Lai Châu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước sẽ trở thành hiện thực, góp phần cùng cả dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.