Theo một số nhà nghiên cứu thì: Văn hóa là mục tiêu của sự phát triển bởi lẽ, văn hóa do con người sáng tạo ra, chi phối toàn bộ hoạt động của con người, là hoạt động sản xuất nhằm cung cấp năng lượng tinh thần cho con người, làm cho con người ngày càng hoàn thiện, xa rời trạng thái nguyên sơ ban đầu khi từ con vật phát triển thành con người. Con người tồn tại, không chỉ cần những sản phẩm vật chất mà còn có nhu cầu hưởng thụ sản phẩm văn hóa tinh thần, con người và xã hội loài người càng phát triển thì nhu cầu văn hóa tinh thần đòi hỏi ngày càng cao. Đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần đó chính là đảm bảo sự phát triển ngày càng nhiều của cải vật chất cho con người và xã hội.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, khái niệm văn hóa được hiểu theo cả ba nghĩa rộng, hẹp và rất hẹp.
Theo nghĩa rộng, Hồ Chí Minh nêu văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra với phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích của cuộc sống loài người. Người viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
Nghị quyết Trung ương 5 ( Khóa VIII), Đảng ta khẳng định: Văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo ra trong quá trình dựng nước và giữ nước…, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Theo dòng lịch sử, nền văn hóa Việt Nam được hun đúc suốt chiều dài dựng nước và giữ nước đã không chỉ nuôi dưỡng, đắp bồi tinh thần đoàn kết dân tộc, lòng vị tha, cởi mở, tinh thần khoan dung tôn giáo, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, khát vọng độc lập, tự do, tự cường của nhân dân Việt Nam… mà còn khơi dậy và phát huy, nhân nguồn sức mạnh đó trong hành trình đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ngay từ năm 1943, Đề cương về văn hoá Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Cộng sản Việt Nam) đã không chỉ đánh giá đúng vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của dân tộc mà còn khẳng định: "Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị: Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia”. Ngay sau khi đất nước giành được độc lập (năm 1945), nhờ việc xác định đúng đắn vai trò của văn hóa trong công cuộc xây dựng đất nước,ngày 24/11/1946, tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập. Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ. Người nêu nhiệm vụ của văn hoá mới là, phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Người cũng chỉ rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hoá, nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Người kêu gọi các nhà văn hoá Việt Nam "hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng".
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhân dân ta kế thừa, phát triển và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hoá mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đất nước và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đưa đất nước vững bước tiến lên, đó chính là sức mạnh hiện thực của văn hóa Việt Nam.
Năm 1951, tại Đại hội II Đảng ta thông qua Luận cương cách mạng Việt Nam, trong đó có nhiệm vụ: “Xây dựng nền văn hóa dân chủ nhân dân Việt Nam có ba tính chất: dân tộc, khoa học và đại chúng. Đây là kim chỉ nam cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ, tạo sự đoàn kết thống nhất tư tưởng, động viên văn nghệ sĩ nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội vượt khó vươn lên xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi thống nhất, Đảng tiếp tục đẩy mạnh cách mạng tư tưởng và văn hóa với nhiệm vụ "xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa” với tính chất dân tộc và làm chủ tập thể về văn hóa, tạo ra cho mọi quần chúng nhân dân một cuộc sống tinh thần phong phú, phù hợp với mục đích cao quý của chủ nghĩa xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986 của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới, đề cao vai trò của văn hoá trong đổi mới tư duy, thống nhất về tư tưởng, dứt bỏ cơ chế cũ không còn phù hợp, thiết lập cơ chế mới; khẳng định đồng thời vừa xây dựng kinh tế, vừa phải coi trọng các vấn đề văn hoá, tạo ra môi trường văn hoá thích hợp cho sự phát triển. Tiếp theo đó, Đảng đã xác định: "Văn hóa là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của xã hội, thể hiện trình độ phát triển chung của một đất nước, một thời đại, là lĩnh vực sản xuất tinh thần tạo ra những giá trị văn hóa, những công trình nghệ thuật được lưu truyền từ đời này sang đời khác, làm giàu đẹp thêm cuộc sống con người". Nhiệm vụ của văn hóa cách mạng thời kỳ mới đã được đặt ra một cách rõ ràng, đó là: Xây dựng văn hóa Việt Nam phải lấy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc làm cơ sở, nền tảng; Xây dựng văn hóa Việt Nam cần phải học tập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bổ sung các giá trị mới.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", đã tạo ra một bước ngoặt toàn diện trong tư duy lý luận của Đảng về văn hóa và vai trò của văn hóa, thể hiện tầm nhìn chiến lược về văn hóa, phù hợp yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của đất nước. Văn hóa đã khẳng định được vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước, được nhìn nhận là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chính nhờ những chỉ đạo đúng đắn, sát sao nhằm phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu những thành tựu và tinh hoa văn hóa nhân loại, hoàn thiện hệ thống giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế…, văn hóa Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn, góp phần vào thành công của sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Hội Trung ương 9 khóa XI đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 33 -NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước với mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta xác định xây dựng và phát huy giá trị, sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam là một trong trong các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, theo đó chúng ta cần “Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hoá phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật. Vì vậy, cần khơi dậy động lực tinh thần to lớn, vô song của dân tộc, con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc; khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, tài năng, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, sức mạnh của con người Việt Nam là trung tâm, là mục tiêu, là nguồn lực nội sinh, là động lực quan trọng nhất để đạt tới các mục tiêu của phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI.
Có thể nói trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa trong xây dựng và phát triển đất nước. Đảng ta đã luôn đưa ra những chỉ đạo sâu sắc và kịp thời đối với từng giai đoạn phát triển của đất nước và trong mọi hoàn cảnh, những chỉ đạo của Đảng luôn bám sát thực tiễn, thích ứng sự thay đổi của thực tiễn, đồng thời phù hợp với bối cảnh thế giới và sự phát triển của đất nước.
Vào ngày 24/11/2021 này Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc bằng hình thức trực tuyến trong cả nước. Hội nghị diễn ra đúng vào ngày cách đây 75 năm cũng diễn ra Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất và được các nhà văn hóa coi như một hội nghị Diên Hồng để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa. Đồng thời, nhằm đánh giá một cách khách quan việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; lắng nghe góp ý để khắc phục hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc… để từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Cũng thông qua Hội nghị là dịp động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.