Quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 36-CTr/TU ngày 23/5/2012; Đề án số 150-QĐ/TU, ngày 20/6/2016 về “Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020”. HĐND - UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; các huyện ủy, thành ủy, đảng bộ trực thuộc đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với từng giai đoạn và hằng năm. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã kịp thời triển khai quán triệt học tập Chỉ thị gắn với Chương trình hành động của Tỉnh ủy, toàn tỉnh tổ chức được 1.461 lớp học tập, quán triệt cho 126.109 lượt người. Đảng viên tham gia học tập, quán triệt là 18.461 đồng chí đạt tỷ lệ 96,1%. Qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Công tác PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi được đẩy mạnh. Triển khai đầy đủ, nghiêm túc các chính sách của Nhà nước; hàng năm điều tra, rà soát và đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, khuyến khích huy động trẻ 5 tuổi đến trường, nâng cao chất lượng chăm sóc dinh dưỡng, giáo dục cho trẻ hướng tới mục tiêu PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, qua đó đã nâng dần tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi được học mẫu giáo, tăng tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi và nhẹ cân. Tháng 12/2015, tỉnh được công nhận đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên mầm non, 100% giáo viên mầm non đạt chuẩn nghề nghiệp. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng và tăng lên cơ bản đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của Nhân dân, 100% các lớp mẫu giáo 5 tuổi có đủ bộ thiết bị dạy học tối thiểu, 100% trường mầm non đạt trường học an toàn, xanh, sạch đẹp. Chế độ chính sách hỗ trợ cho trẻ người dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện đầy đủ và kịp thời.
PCGD Tiểu học đúng độ tuổi và PCGDTHCS tiếp tục củng cố vững chắc. Đối với PCGD Tiểu học, các trường xây dựng mô hình giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương, duy trì bền vững và nâng cao chất lượng PCGD Tiểu học đúng độ tuổi ở 100% các xã, phường, thị trấn; huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Tỷ lệ học sinh lưu ban chiếm 0,3%. Tỷ lệ học sinh bỏ học chiếm 0,01%. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98.6%. Đến nay, tỉnh đạt chuẩn PCGD Tiểu học mức độ 2. Toàn tỉnh hiện có 93 trường Tiểu học, trong đó có 35 trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học; 19 trường Tiểu học và THCS; 54 trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia.
Duy trì 106/106 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTHCS mức độ 1 trở lên, trong đó có 69 xã, phường, thị trấn đạt mức độ 2, 16 xã, phường, thị trấn đạt mức độ 3. Tỉnh đạt chuẩn PCGDTHCS mức độ 1; 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGDTHCS mức độ 1 trở lên, trong đó thành phố Lai Châu, huyện Tân Uyên, huyện Nậm Nhùn đạt chuẩn mức độ 2. Huy động tối đa trẻ trong độ tuổi từ 11 đến 18 tuổi đi học THCS. Tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt 99,5%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề đạt 28%. PCGDTHCS ở vùng đặc biệt khó khăn được duy trì và nâng cao, đến năm 2021 có 74/74 xã vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn PCGDTHCS mức độ 1 trở lên, trong đó có 49 xã đạt mức độ 2, 5 xã đạt mức độ 3. Toàn tỉnh hiện có 90 trường THCS, trong đó 46 trường đạt chuẩn quốc gia.
Công tác XMC được quan tâm. Hằng năm, Ban Chỉ đạo PCGD tỉnh chỉ đạo ban chỉ đạo các huyện, thành phố điều tra, rà soát số lượng người dân trong độ tuổi PCGD các cấp, huy động học viên đến lớp nhằm giữ vững chuẩn XMC, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ tới từng thôn, bản trên địa bàn. Tỷ lệ biết chữ ở các độ tuổi hằng năm đều tăng rõ rệt. Độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi đạt 91,9%, từ 15 đến 25 tuổi đạt 99%, từ 26 đến đến 35 đạt 95,9%, từ 36 đến 60 đạt 83,7%. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn XMC mức độ 1, trong đó 33 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 2.
Triển khai hiệu quả phân luồng học sinh và các chính sách đối với học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh và phụ huynh; đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện hướng nghiệp, phân luồng học sinh. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Tỉnh đoàn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên truyền hướng nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, tuyển sinh đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục theo học giáo dục nghề nghiệp đạt tỷ lệ 28% (trong đó tại tỉnh là 8,6%).
Tập trung nguồn lực phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả PCGD và giải pháp tích cực nâng cao trình độ tiếng Việt, giảm tỷ lệ lưu ban và bỏ học đối với học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn. Huy động các nguồn lực từ để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, nhà công vụ cho giáo viên, nhà bán trú, nội trú cho học sinh. Nâng cao chất lượng của loại hình trường lớp nội trú, bán trú; huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo. Các trường phổ thông dân tộc nội trú tuyển sinh học sinh vào học lớp 10 đạt tỷ lệ 100% so với chỉ tiêu của tỉnh; 100% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học được tăng cường tiếng Việt; đặc biệt là trẻ 6 tuổi được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
Công tác đào tạo, dạy nghề được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, trong 10 năm Trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh đã tuyển sinh đào tạo 2.563 học sinh, sinh viên; bồi dưỡng cho 1.935 học viên, trong đó: Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Mầm non hạng II là 196 học viên, giáo viên Mầm non hạng III là 831 học viên, giáo viên Tiểu học hạng III là 908 học viên và cấp chứng chỉ cho 1.794 học viên.
Chính sách đãi ngộ đối với giáo viên được quan tâm, bằng việc hoàn thiện chế độ, chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục gắn với rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên. Đối với nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp khu vực; cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn được hưởng thêm các khoản trợ cấp lần đầu, phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tăng cường huy động nguồn lực xã hội để phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ thiết thực PCGD, tăng cường đầu tư theo hướng chuẩn hóa gắn với Đề án rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp học và Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với các cơ sở giáo dục phổ thông dân tộc nội trú, bán trú ở vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ PCGD, XMC đảm bảo đúng mục đích và kịp thời.
Tuy nhiên qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10, tỉnh Lai Châu vẫn còn một số hạn chế. Cấp uỷ, chính quyền địa phương một số nơi chưa chú trọng lãnh, chỉ đạo công tác PCGD XMC, phân luồng học sinh. Hoạt động của một số ban chỉ đạo phổ cập cấp xã chất lượng có mặt còn hạn chế. Tỷ lệ người lớn trên 35 tuổi mù chữ và nguy cơ tái mù chữ còn cao. Chất lượng PCGDTHCS ở một số xã thiếu bền vững. Cơ sở vật chất, trường lớp học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn thiếu; chất lượng giáo dục toàn diện chưa đồng đều giữa các vùng; đổi mới giáo dục và đào tạo, áp dụng mô hình trường học mới còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục đi học nghề còn thấp.
Để tiếp tục giữ vững kết quả PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả PCGD Tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và XMC cho người lớn, thời gian tới tỉnh xác định: Tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện công tác PCGD, XMC. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, nhà trường và toàn xã hội đối với việc nâng cao chất lượng nguồn giáo dục. Tập trung chỉ đạo duy trì số lượng học sinh ra lớp đúng độ tuổi; duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục; phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú. Kiện toàn Ban Chỉ đạo PCGD XMC các cấp gắn với nâng cao chất lượng hoạt động. Thực hiện phù hợp và hiệu quả việc sắp xếp các cơ sở giáo dục đảm bảo hợp lý giữa các trường, các cấp học. Thực hiện đầy đủ các chính sách, tập trung vào hỗ trợ học sinh khó khăn, chính sách huy động tối đa nguồn lực xã hội, xã hội hóa giáo dục, đào tạo. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tiếp tục đầu tư nâng cấp, tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của ban chỉ đạo các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục./.