Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển nông nghiệp là một trong những chương trình trọng điểm và nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 22/02/2021 về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình, nghị quyết, đề án về lĩnh vực nông nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang các loại cây, con có giá trị kinh tế cao.
Để tận dụng những tiềm năng, lợi thế sẵn có, các địa phương đã tập trung đầu tư, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hình thành và mở rộng những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, từng bước đưa nông nghiệp trở thành lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đến nay đã hình thành các vùng sản xuất hàng hoá lớn như lúa chất lượng cao, chè, mắc ca, dược liệu quý tại các huyện Tam Đường, Sìn Hồ, Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, thành phố Lai Châu...
Đến nay, toàn tỉnh có trên 3.800 ha lúa hàng hóa, trên 9.800 ha chè; gần 8.500 ha cây ăn quả; trên 7.300 ha mắc ca; trên 12.900 ha cây cao su; gần 12.000 ha quế, 11.063 ha cây dược liệu. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 19/5/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển Sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2045 trên cơ sở kết quả quyết định Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ; đã hình thành khu vực trồng Sâm địa bàn các huyện Mường Tè, Tam Đường, Sìn Hồ, Phong Thổ...
Chăn nuôi, thuỷ sản phát triển ổn định, tiếp tục chuyển đổi sang hướng tập trung, trang trại gắn với an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tốc độ tăng đàn gia súc đạt 5%; toàn tỉnh hiện có 221 trang trại chăn nuôi, trong đó có 04 trang trại chăn nuôi lợn đạt quy mô lớn (01 trang trại được cấp Giấy chứng nhận chăn nuôi theo quy trình VietGAP với quy mô 10.933.4m2 chuồng nuôi lợn thịt và lợn nái); đàn gia súc chính hiện có 353.350 con, trong đó: đàn trâu 92.760 con, đàn bò 25.590 con, đàn lợn 235.000 con; đàn gia cầm đạt 1.809 nghìn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 18.710 tấn, trong đó thịt lợn 11.610 tấn. Diện tích ao nuôi thủy sản đạt 1.027 ha; thể tích nuôi cá nước lạnh ước đạt 59.790 m3; thể tích nuôi cá lồng ước đạt 217.460 m3; 56 cơ sở nuôi cá nước lạnh với tổng thể tích 26.750 m3. Thể tích nuôi cá lồng 199.491 m3/1.847 lồng; sản lượng nuôi trồng và đánh bắt tự nhiên đạt 3.700 tấn.
Công tác bảo vệ, phát triển rừng được chỉ đạo sát sao, diện tích trồng rừng mới đạt 2.494 ha, nâng diện tích rừng hiện có lên 494.196 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 454.563 ha; cây cao su 12.940 ha. Chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện đúng quy định, tiến độ chi trả được đẩy nhanh, thu nhập bình quân của các hộ tham gia nhận khoán, hợp đồng bảo vệ rừng đạt khá, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 52,3%.
Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp được triển khai hiệu quả. Các xã cơ bản đã hoàn thành phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung, ban hành và tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí về thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Năm 2023, toàn tỉnh đạt bình quân 13,6 tiêu chí/xã; 39 xã đạt 19 tiêu chí; 2 xã đạt 15-18 tiêu chí; 27 xã đạ 10-14 tiêu chí; 26 xã đạt từ 5-9 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư đồng bộ, đáp ứng tiêu chí nông thôn mới; đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày một nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 5%/năm, hiện còn dưới 25%; năm 2023, giải quyết việc làm cho 9.842 lao động, đào tạo 9.004 lao động, đã thành lập Tổ công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; triển khai các nội dung “Thỏa thuận hợp tác tiếp nhận lao động thời vụ tại Hàn Quốc”; huyện Than Uyên và Tân Uyên đã được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020.
Thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, toàn tỉnh hiện có 204 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao đến 4 sao của 89 chủ thể. Các sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận tiếp tục duy trì sản lượng, chất lượng, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, đa dạng mẫu mã phù hợp với quy định và thị hiếu của thị trường, chú trọng đến công tác quảng bá thương hiệu mở rộng thị trường, tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho lao động, nâng doanh thu của chủ thể OCOP, mức tăng bình quân về doanh thu sản phẩm sau khi được chứng nhận đạt trên 10%, có những đơn vị tăng doanh thu trên 20% từ đó khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác được những giá trị tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP đảm bảo về chất lượng, sản lượng cho các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, nhận thức của người dân về nông nghiệp hàng hoá một số nơi còn chậm, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới; việc tập trung đất đai để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn còn hạn chế; một số sản phẩm OCOP thiếu tính bền vững, công tác quản lý chất lượng sản phẩm ở một số khâu còn yếu…
Thời gian tới, để nông nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết chuyên đề, đề án của tỉnh về phát triển nông nghiệp, trọng tâm là Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 22/02/2021 về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 19/5/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển Sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2045; tiếp tục khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu và thị trường; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp, trang trại, gia trại và nuôi trồng thủy sản; tập trung ưu tiên nguồn lực cao nhất để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; đẩy nhanh việc hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới đối với các xã, các huyện dự kiến đạt chuẩn. quan tâm phát triển mở rộng quy mô các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, đồng thời xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.