Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; có 8 đơn vị hành chính cấp huyện (7 huyện, 1 thành phố), 4 huyện biên giới, 4 huyện nghèo; 106 xã, phường, thị trấn (62 xã đặc biệt khó khăn, 22 xã biên giới). Dân số của tỉnh trên 47 vạn người gồm 20 dân tộc, tỷ lệ dân tộc thiểu số trên 85%. Đảng bộ tỉnh luôn xác định phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, từ đó đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân.
Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, của tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; lãnh đạo việc phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; kiện toàn, củng cố và tiếp tục đổi mới hoạt động của ban chỉ đạo các cấp về thực hiện QCDC ở cơ sở. Các cấp ủy đã quan tâm công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở; lãnh đạo ban chỉ đạo QCDC các cấp xây dựng kế hoạch kiểm tra và tổ chức các cuộc kiểm tra, tự kiểm tra về thực hiện QCDC ở các xã, phường, thị trấn, các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp. Người đứng đầu cấp ủy các cấp đã quan tâm, thực hiện tốt việc tiếp công dân, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chỉ đạo giải quyết kịp thời những kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.
HĐND các cấp tăng cường phát huy dân chủ trong các kỳ họp và các cuộc tiếp xúc cử tri; các ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp đầy đủ và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; chú trọng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định (năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh tiếp nhận 23 đơn thư kiến nghị, khiếu nại của công dân; đã chuyển 5 đơn; khảo sát 1 đơn; hướng dẫn trực tiếp 2 đơn; lưu 15 đơn theo quy định). Quản lý, điều hành của UBND các cấp được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch; tập trung chỉ đạo, triển khai hiệu quả các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên cải tiến lề lối làm việc, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, quan tâm công tác tiếp công dân.
Chính quyền các cấp phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, phản biện việc xây dựng các chính sách, tham gia góp ý xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Ban chỉ đạo QCDC các cấp chú trọng tuyên truyền, tập huấn, phối hợp, nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Năm 2023, Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện 1 cuộc kiểm tra tại 18 đơn vị xã, phường, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp; ban chỉ đạo các huyện, thành phố, đảng ủy trực thuộc, ban dân vận các huyện ủy thực hiện riêng và lồng ghép 30 cuộc kiểm tra, giám sát tại 180 đơn vị.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị tuyên truyền triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; phối hợp với các cấp chính quyền vận động Nhân dân thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phối hợp tổ chức cho Đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu HĐND các cấp tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trước, sau các Kỳ họp Quốc hội và HĐND các cấp (năm 2023, phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tại 34 điểm với 2.375 cử tri; các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại 184 điểm với 12.382 cử tri tham dự, có tổng 1.778 ý kiến, kiến nghị). Phối hợp với văn phòng cấp ủy tổ chức hoạt động đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy với Nhân dân; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chủ tịch UBND các cấp với đoàn viên, hội viên.
UBND các xã, phường, thị trấn công khai các nội dung cho Nhân dân biết như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh hằng năm, các tiểu dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, hỗ trợ quà tết cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội, quy trình công khai dân chủ trong việc xét cấp nhà tình nghĩa, nhà tình thương; công khai các hoạt động thu, chi các nguồn phí, lệ phí, các nguồn quỹ vận động nhân dân trong các lĩnh vực,... Thực hiện đảm bảo những nội dung Nhân dân bàn, biểu quyết trước khi cấp có thẩm quyền quyết định về: Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy ước của thôn, bản, tổ dân phố (đến nay, 956/956 thôn, bản, khu phố đã xây dựng được quy ước và đều được UBND các huyện, thành phố phê duyệt); bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; bầu, bãi nhiệm thành viên ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng; bình xét hộ nghèo, gia đình văn hoá...
Hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng được quan tâm củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu quả (toàn tỉnh có 106 ban thanh tra nhân dân/106 xã, phường, thị trấn, 963 thành viên; 118 ban giám sát đầu tư của cộng đồng/106 xã, phường, thị trấn, 661 thành viên. Năm 2023, các ban thanh tra nhân dân đã thực hiện giám sát 147 vụ việc, trong đó kiến nghị xử lý 37 vụ việc sai phạm và đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý giải quyết; ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 120 dự án, vụ việc, trong đó kiến nghị 8 vụ việc sai phạm và đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý giải quyết). Công tác hòa giải ở cơ sở được quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn; toàn tỉnh có 956 tổ hòa giải với 4.893 hòa giải viên, năm 2024, các tổ hòa giải đã thực hiện hòa giải 871 vụ việc, trong đó hòa giải thành 738 vụ việc, đạt tỷ lệ 84,73%.
Thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị được triển khai hiệu quả, người đứng đầu cơ quan dân chủ trong chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức; duy trì chế độ giao ban định kỳ; xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy chế của cơ quan, đơn vị; quan tâm lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức. Việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị cơ bản được quan tâm thực hiện (năm 2023, 536 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, một số đơn vị tổ chức lồng ghép với các cuộc họp tổng kết cuối năm). 100% các đơn vị thành lập, kiện toàn ban thanh tra nhân dân. Chú trọng thực hiện dân chủ trong quan hệ giải quyết công việc với công dân, tổ chức; các cơ qua niêm yết công khai các thủ tục hành chính, mẫu hồ sơ, quy trình, thủ tục giải quyết, thời gian giải quyết, phí và lệ phí theo quy định, giải quyết các ý kiến góp ý của công dân, tổ chức. Thực hiện QCDC trong các cơ quan thuộc lực lượng quân đội, công an được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc.
Thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động được tăng cường: Các doanh nghiệp nhà nước và khối ngân hàng trên địa bàn tỉnh (16 đơn vị) đã thành lập tổ chức công đoàn và thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; ban giám đốc doanh nghiệp thực hiện nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Doanh nghiệp ngoài nhà nước chú trọng thực hiện QCDC thông qua tổ chức công đoàn.
Chú trọng thực hiện QCDC trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách, quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất, khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn; ban hành và công khai các quyết định thông báo thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án và quyết định bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất và người bị ảnh hưởng.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện QCDC cơ sở của Lai Châu vẫn còn một số khó khăn: Việc tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở ở một số xã, phường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chất lượng, hiệu quả chưa cao; phối hợp giữa các cấp, các ngành với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể ở cơ sở trong việc thực hiện QCDC có nội dung chưa kịp thời. Hoạt động của một số ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cấp xã, ban thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị chưa phát huy tốt vai trò, chức năng của mình. Một số công chức, viên chức chưa phát huy vai trò dân chủ trong cơ quan, đơn vị, chưa tích cực tham gia góp ý xây dựng các nội quy, quy chế, kế hoạch, giải pháp thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở, thời gian tới tỉnh Lai Châu xác định tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức về thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; ban chỉ đạo QCDC cơ sở các cấp tăng cường tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân và người lao động.