Nằm ở cửa ngõ Tây Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài 265,165 km tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Lai Châu có vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang trong tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và của Tỉnh ủy về công tác quân sự, quốc phòng. Trong đó, chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, đảm bảo sự ổn định và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác quân sự, quốc phòng và xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong toàn tỉnh, như: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về công tác quân sự, quốc phòng, trọng tâm là xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc... Hằng năm, căn cứ tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; về lãnh đạo diễn tập khu vực phòng thủ các huyện, thành phố; Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các nghị quyết về chế độ, chính sách và đề án, kế hoạch để thực hiện. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã cụ thể hóa thành các nghị quyết, đề án, kế hoạch và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác quân sự, quốc phòng nói chung, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân nói riêng được tăng cường, tiến hành bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Cơ quan quân sự các cấp đã thực hiện tốt việc phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền phổ biến giáo dục các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng. Phát huy hiệu quả tuyên truyền trên hệ thống truyền thông, báo chí. Báo Lai Châu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, duy trì thường xuyên các chuyên mục “Quốc phòng Lai Châu”, “ An ninh Lai Châu”, “Vì chủ quyền an ninh biên giới”. Lồng ghép trong các hoạt động tuyên truyền thông tin lưu động, chiếu bóng vùng cao, các hoạt động văn hóa, văn nghệ; hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng; sinh hoạt chuyên đề, ôn lại truyền thống... Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng theo quy định. Trong 10 năm (2010 - 2020) đã tổ chức mở 528 lớp, bồi dưỡng cho 32.266 lượt người tham gia; Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố đã lồng ghép nội dung giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh vào các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên các cấp; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn đưa nội dung kiến thức quốc phòng - an ninh vào giảng dạy tại chương trình bồi dưỡng chính trị hè cho cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục. Đối với các trường phổ thông, 100% các trường thực hiện nghiêm túc việc đưa nội dung giáo dục quốc phòng - an ninh vào giảng dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua đó, đã góp phần quan trọng giúp các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận, nhất là “thế trận lòng dân” vững chắc trong khu vực phòng thủ tỉnh.
Cùng với đó, công tác xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng lực lượng được quan tâm. Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, nhất là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng khu vực phòng thủ của UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện vững chắc. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã cố gắng từng bước đảm bảo ngân sách cho nhiệm vụ quốc phòng; hệ thống các công trình quốc phòng bước đầu đáp ứng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và phòng thủ của lực lượng vũ trang tỉnh. Trong mỗi nhiệm kỳ (5 năm) lực lượng vũ trang tỉnh đã tham mưu tổ chức thành công 1 cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh; 8 cuộc diễn tập phòng thủ cấp huyện; 116 cuộc diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã và hàng trăm cuộc diễn tập lũ bão, cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn, kết quả 100% đạt khá, giỏi, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Lực lượng vũ trang tỉnh tiếp tục được củng cố, tổ chức biên chế đủ số lượng, chất lượng, sức mạnh chiến đấu ngày càng tăng. Lực lượng thường trực được tổ chức, xây dựng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, hằng năm đều đạt 100% chỉ tiêu, chất lượng tuyển quân năm sau luôn cao hơn năm trước. Chế độ chính sách cho gia đình và công dân tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự được quan tâm thực hiện đúng, đủ theo quy định. Lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý chặt chẽ ngay tại cơ sở. Công tác huấn luyện dân quân, tự vệ được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ theo đúng quy định của Bộ quốc phòng và hướng dẫn của Quân khu II, quân số tham gia huấn luyện hằng năm đạt từ 94% trở lên, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị.
Chính sách hậu phương quân đội được quan tâm; công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc các thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng được triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng chính sách... Các đơn vị lực lượng vũ trang thực hiện tốt chương trình Quân - Dân y kết hợp, phối hợp tham gia các hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Từ năm 2010 đến nay đã tổ chức tuyên truyền vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 12.500 lượt người, với số tiền 1,5 tỷ đồng.
Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế - xã hội được tăng cường. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch tổng thể bố trí thế trận quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân. Phát triển kinh tế - xã hội từng vùng gắn với quy hoạch, kế hoạch về quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, trong thời gian qua tỉnh tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới để tăng cường tiềm lực quốc phòng ở địa phương, tự đảm bảo an ninh lương thực; tăng khả năng tích lũy cho nhiệm vụ quốc phòng. Mạng lưới giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng, mở rộng, cứng hóa, quy hoạch theo hướng vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Hệ thống thông tin liên lạc thông suốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đáp ứng kịp thời thông tin liên lạc cho công tác lãnh đạo, chỉ huy, điều hành của lực lượng vũ trang khi có tình huống. Mạng lưới y tế được củng cố, mở rộng khắp các địa bàn từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân và sẵn sàng phục vụ quốc phòng khi có chiến tranh xảy ra. Công tác đối ngoại quân sự, quốc phòng được đẩy mạnh theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa lực lượng vũ trang tỉnh và quân đội các nước, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.
Những kết quả trên góp phần quan trọng trong việc xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, tiềm lực chính trị, kinh tế, khoa học, tiềm lực quân sự của tỉnh được tăng cường; lực lượng vũ trang của tỉnh được chăm lo xây dựng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Thời gian tới, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh nói chung, xây dựng khu vực phòng thủ của tỉnh nói riêng, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội, nhất là việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, tiềm ẩn những yếu tố mất ổn định trên địa bàn; bên cạnh đó tình hình thiên tai, dịch bệnh dự báo có những diễn biến phức tạp... Trước thực tế đó, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Lai Châu xác định, tiếp tục bám sát, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV về công tác quân sự, quốc phòng nói chung, xây dựng khu vực phong thủ tỉnh nói riêng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, tập trung: Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các lực lượng tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc ở địa phương, trong đó cơ quan quân sự địa phương làm nòng cốt. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, bảo đảm xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội; củng cố “thế trận lòng dân”; xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện làm nền tảng, gắn bó chặt chẽ, liên hoàn với thế trận của khu vực phòng thủ cấp huyện và tỉnh; nhất là đảm bảo cả về tiềm lực, lực lượng, thế trận trên các mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc làm nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh trong tình hình mới, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước”./.