Công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết được chú trọng. Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW cho trên 500 cán bộ chủ chốt của tỉnh. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên được học tập, quán triệt Nghị quyết đạt 96,3%, tỷ lệ nhân dân được tuyên truyền, phổ biến đạt 93,2%. Tỉnh ủy ban hành 1 Nghị quyết, 2 Kế hoạch, đồng thời, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện. Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành 10 Nghị quyết; Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành trên 22 văn bản chỉ đạo liên quan đến xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh, tạo động lực phát triển đội ngũ, phục vụ nghiên cứu, ứng dụng vào phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh. 100% các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương, đơn vị.
Sau 15 năm triển khai thực hiện, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở về vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức được nâng lên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức được chú trọng. Đội ngũ trí thức tăng khá nhanh về số lượng, chất lượng, từng bước phát huy vai trò trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 16.312 trí thức, trong đó 14 tiến sỹ, 725 thạc sỹ, 11.784 đại học, 2.789 cao đẳng; 63 nhà giáo ưu tú, 13 nghệ nhân ưu tú, 4 thầy thuốc nhân dân, 13 thầy thuốc ưu tú đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực của Trung ương và một số chính sách của tỉnh về trọng dụng, đãi ngộ trí thức. Các chế độ ưu đãi về đất ở đối với cán bộ đến Lai Châu công tác thời kỳ đầu mới chia tách, thành lập tỉnh; nâng lương trước thời hạn đối với những trí thức có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ; chế độ đãi ngộ với cán bộ, công chức, viên chức về công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được thực hiện. Từ năm 2008 đến nay tỉnh đã tuyển dụng được 10.527 trí thức công tác ở các cơ quan cấp tỉnh và huyện, thu hút được 85 trí thức; 392 công chức cấp xã; tuyển chọn, thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật tham gia tổ công tác ở xã theo Quyết định 1568/QĐ-UBND ngày 06/10/2009 với tổng số hợp đồng 102 người; tuyển chọn thí điểm trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã là 47 đội viên.
Đội ngũ trí thức được tạo điều kiện để học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực lãnh đạo, quản lý. Từ năm 2008 đến nay, cử đi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho 46.731 người (trong đó nữ 9.747 lượt người, dân tộc thiểu số 5.298 lượt người; sau đại học 543 người, đại học 4.162 người). Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đội ngũ trí thức đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng. So với năm 2008, trình độ sau đại học tăng 600 người, trình độ đại học tăng 7917 người, trình độ Cao cấp LLCT tăng 435 người.
Công tác bổ nhiệm được thực hiện đúng quy trình, công khai, dân chủ, đúng tiêu chuẩn, đảm bảo tính ổn định, kế thừa và phát triển nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Cán bộ, công chức, viên chức sau khi được bổ nhiệm đã phát huy được khả năng, năng lực tham mưu ở lĩnh vực được phân công, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Từ năm 2008 đến năm 2021 đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động và bổ nhiệm, luân chuyển và bổ nhiệm 2.879 lượt người.
Công tác tôn vinh trí thức từng bước được quan tâm, khuyến khích thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học và công nghệ. Tỉnh đã ban hành quy chế, tổ chức xét chọn và tôn vinh danh hiệu “Trí thức Lai Châu tiêu biểu” theo quy định. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật; làm tốt chức năng là cầu nối giữa các hội thành viên với các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể. Đến nay, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã có 09 hội thành viên: Hội Y học, Hội đông Y, Hội Nhà báo, Hội Điều dưỡng, Hội Cựu giáo chức, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Luật gia, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội Khuyến học.
Để khuyến khích, thúc đẩy phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật Liên hiệp Hội đã tổ chức 2 hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh, có 66 tổ chức, 132 cá nhân tham gia; 1 Cuộc thi sáng tạo thành thiếu niên nhi đồng. Kết quả 25 giải thưởng được trao cho tổ chức, cá nhân dự thi, trong đó: 2 giải nhất, 5 giải nhì, 7 giải ba và 11 giải khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân đã có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng vào đời sống, sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế với tổng số tiền thưởng 250 triệu đồng. Chủ tịch UBND tỉnh trao tăng 11 bằng khen cho các cá nhân đạt giải nhất, nhì, ba. Tổ chức, có 180 mô hình sản phẩm tham dự và trên 450 học sinh tham gia, có 59 giải thưởng được trao tặng gồm: 5 giải nhất, 8 giải nhì, 15 giải ba, 27 giải tư và 4 giải triển vọng cho các thanh thiếu niên, nhi đồng với tổng số tiền thưởng 97 triệu đồng.
Tuy nhiên bên cạnh đó việc thu hút trí thức có trình độ cao về công tác tại tỉnh còn hạn chế, chưa quy tụ, tập hợp và phát huy hết trí tuệ của đội trí thức trong và ngoài tỉnh nhằm thực hiện sự nghiệp phát triển của tỉnh. Chất lượng, cơ cấu, phân bố trí thức giữa các ngành thiếu trí thức nghiên cứu khoa học, một số lĩnh vực còn thiếu chuyên gia đầu ngành, người có chuyên môn sâu. Việc “Chảy máu chất xám” vẫn diễn ra ở nhiều đơn vị nhất là đội ngũ bác sỹ, người có trình độ cao còn bỏ việc.
Thời gian tỉnh chủ trương tiếp tục xây dựng đội ngũ trí của tỉnh đủ về số lượng, có cơ cấu phù hợp, chuẩn về chất lượng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần tiếp tục thực hiện và hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, tôn vinh đội ngũ trí thức, nhất là thu hút người có tài năng, chuyên gia giỏi, nhà khoa học trẻ trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu của địa phương đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, các lĩnh vực, ngành còn thiếu, yếu. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành những chính sách phù hợp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc xây dựng, củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh. Đổi mới công tác cán bộ, thực hiện việc quản lý, tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, đề bạt và sử dụng trí thức nghiêm túc, đúng quy định, phù hợp với năng lực, chuyên môn và vị trí việc làm. Chú trọng công tác định hướng tư tưởng, chính trị, giáo dục đạo đức, lối sống cho đội ngũ trí thức, nhất là trước những luận điệu xuyên tạc, kích động, những thông tin xấu, độc trên các phương tiện truyền thông. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với sự dụng hiệu quả đội ngũ trí thức; tập trung đào tạo sau đại học, chuyên gia trong một số lĩnh vực có lợi thế của tỉnh, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo mỗi lĩnh vực đều có chuyên gia giỏi. Chú trọng đào tạo chuyên gia trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm. Đổi mới, đa dạng hóa phương thức hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và các hội thành viên trong khâu nối, tập hợp đội ngũ trí thức, nhất là trí thức trẻ, trí thức trong các thành phần kinh tế thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, nhất là đối với những chủ trương, chính sách, công trình, đề án, dự án có tác động lớn tới sự phát triển của tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý đội ngũ trí thức, khuyến khích đội ngũ trí thức tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng phấn đấu hoàn thiện mọi mặt. Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức hội trí thức trong việc tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật./.