Kinh tế tăng trưởng tích cực, tạo đà vượt khó. Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2025 ước tăng 6,88% so với cùng kỳ, tiếp tục giữ nhịp độ ổn định. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,98%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,28%, thương mại - dịch vụ tăng 7,12%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt gần 3.470 tỷ đồng, bằng 50,1% kế hoạch năm. Đặc biệt, sản lượng chè búp tươi đạt trên 25.700 tấn, cao su khai thác gần 2.600 tấn; việc phát triển cây mắc ca tiếp tục được chú trọng, đưa Lai Châu đến gần hơn mục tiêu trở thành một trong nhưng trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng hóa của vùng Tây Bắc.
Lĩnh vực công nghiệp duy trì đà phục hồi rõ nét. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 3.600 tỷ đồng, tăng 9,06% so với cùng kỳ. Điện năng sản xuất đạt gần 1,3 tỷ kWh - con số đầy ấn tượng thể hiện tiềm năng lớn của địa phương trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là thủy điện. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 7.470 tỷ đồng, tăng 14,6% - phản ánh sức tiêu dùng nội địa đang dần hồi phục mạnh mẽ, tạo động lực cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Thu ngân sách nhà nước đạt 1.885 tỷ đồng, bằng 64% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 1.090 tỷ đồng. Công tác điều hành ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hướng đến các mục tiêu lâu dài, không chạy theo thành tích.
Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tháng 4/2025, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước. Công tác quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng. Tính đến hết tháng 6, có thêm 8 dự án đầu tư được chấp thuận với tổng vốn đăng ký hơn 3.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, năng lượng sạch. Du lịch từng bước phục hồi, lượng khách đến địa bàn đạt 640.000 lượt, tăng 18,5%; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 470 tỷ đồng - tăng hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Hình ảnh Lai Châu đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Công tác đầu tư công được triển khai quyết liệt. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt trên 8.050 tỷ đồng, tăng gần 13,6% so với cùng kỳ. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 45% kế hoạch vốn năm, cao hơn mức trung bình cả nước. Các dự án trọng điểm như đường kết nối Lai Châu - Lào Cai, các tuyến giao thông nội tỉnh, hệ thống điện, nước và viễn thông đang được đẩy nhanh tiến độ, tạo tiền đề cho phát triển bền vững lâu dài. Chương trình xây dựng nông thôn mới được duy trì hiệu quả, toàn tỉnh có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số lên 64/96 xã (cũ), chiếm 66,7%.
Các hoạt động giáo dục, y tế, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục được chú trọng. Tỷ lệ học sinh lên lớp, đỗ tốt nghiệp giữ mức ổn định; dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả; an sinh xã hội được bảo đảm. Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững được triển khai mạnh mẽ, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn khoảng 16,27%, riêng các huyện nghèo giảm xuống dưới 30%, vượt mục tiêu đề ra. Đây là thành quả của sự vào cuộc đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền đến các tổ chức đoàn thể và người dân. Lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể thao tiếp tục có bước phát triển, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ tinh thần của Nhân dân.
Tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Chủ quyền biên giới quốc gia được bảo vệ tuyệt đối an toàn; công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội được thực hiện hiệu quả. Công tác đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại biên giới, có bước tiến quan trọng. Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Lai Châu với các tỉnh Bắc Lào và Vân Nam (Trung Quốc) được duy trì, củng cố và phát triển. Nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục, nông nghiệp, du lịch, thương mại đã và đang được xúc tiến, góp phần nâng cao vị thế Lai Châu trên bản đồ khu vực.
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, thực tiễn phát triển của Lai Châu trong 6 tháng đầu năm vẫn cho thấy nhiều điểm nghẽn cần sớm có giải pháp đồng bộ, căn cơ hơn. Tốc độ giải ngân đầu tư công tuy được cải thiện nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng, nhất là ở một số công trình trọng điểm. Nguyên nhân do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư chồng chéo, một số nơi còn thiếu quyết tâm và năng lực tổ chức thực hiện. Thu hút đầu tư tuy có bước chuyển nhưng chưa tương xứng tiềm năng. Một số dự án được cấp phép song chậm triển khai, thiếu sức lan tỏa. Hạ tầng chưa đồng bộ, quỹ đất sạch còn hạn chế, cùng với môi trường đầu tư cần tiếp tục cải thiện là những lực cản hiện hữu. Trong nông nghiệp, sản xuất còn nhỏ lẻ, đầu ra chưa ổn định, giá trị gia tăng thấp. Ứng dụng công nghệ còn manh mún, thiếu liên kết vùng và liên kết chuỗi. Chuyển đổi số diễn ra chậm, chưa ăn khớp với cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhưng chưa thực sự bền vững, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều nguyên nhân mang tính hệ thống, thiếu sinh kế dài hạn, thiếu nguồn lực hỗ trợ hiệu quả, chênh lệch vùng miền còn lớn. Một số lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục vẫn còn khoảng cách giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Công tác đảm bảo an ninh trật tự tiềm ẩn yếu tố phức tạp ở một số địa bàn trọng điểm.
Trong 6 tháng cuối năm 2025, Lai Châu đặt mục tiêu thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, trong đó tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: (1) Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, nhất là khai thác thế mạnh về nông nghiệp, năng lượng sạch, du lịch. (2) Tăng tốc giải ngân đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng chiến lược, tạo sức bật mới cho phát triển vùng sâu, vùng xa. (3) Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí xã hội. (4) Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. (5) Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, giảm nghèo bền vững. (6) Giữ vững quốc phòng, an ninh, chủ động phòng ngừa và xử lý các tình huống phát sinh về an ninh trật tự. (7) Mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế, tận dụng các cơ hội hội nhập để phát triển nhanh và bền vững.
Lai Châu đang viết tiếp hành trình của một tỉnh biên cương không bằng những lời hứa hẹn bay bổng, mà bằng những nỗ lực cụ thể, quyết sách trúng và đúng, cùng khát vọng vươn lên từ nội lực. Chính sự không né tránh thực tế, dũng cảm đối diện điểm nghẽn và kiên trì khơi thông dòng chảy phát triển đã tạo nên bản sắc lãnh đạo đổi mới của tỉnh, nơi niềm tin không phải là khẩu hiệu, mà là hành động thiết thực mỗi ngày.