Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, thay thế Luật Bảo vệ môi trường 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những thách thức mới đặt ra đối với công tác bảo vệ môi trường như: cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chưa phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường; các thủ tục hành chính về môi trường còn có sự phân tán, thiếu liên thông, tích hợp dẫn đến việc cùng một dự án, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục hành chính mang tính cho phép về môi trường của nhiều bên, nhiều cơ quan nhà nước… do vậy Luật cần phải được sửa đổi cho phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, đồng chí Giàng Páo Mỷ - UVBCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia một số vấn đề như: bỏ một số khoản; bỏ hoặc bổ sung cụm từ tại một số khoản cho phù hợp; đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn lập quy hoạch và Nghị quyết cho phép UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của cấp huyện để làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt); xem xét hướng dẫn thực hiện bổ sung quy hoạch vật liệu xây dựng; hướng dẫn việc tài trợ, đồng tài trợ từ Quỹ bảo vệ môi trường địa phương đối với các dự án có hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; ban hành định mức kinh tế kỹ thuật lập báo cáo đánh giá tác động của môi trường; hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương trong quá trình thanh tra việc sử dụng đất trồng lúa theo nội dung thực hiện năm 2019...
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các địa phương, đồng thời nhấn mạnh, dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là thực sự cần thiết. Việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường nhằm tạo một cuộc cách mạng trong chính suy nghĩ, tư duy quản lý đến nhận thức và hành động của mỗi người dân. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo dự án luật này thống nhất với hệ thống pháp luật, đảm bảo tính cụ thể, tính khả thi, tiếp tục đánh giá tác động của 13 nhóm chính sách liên quan đến kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách; sớm hoàn chỉnh dự án luật để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9./.