Xu hướng liên kết, toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đặt ra cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam những cơ hội phát triển, song cũng đặt ra những khó khăn, thách thức mới. Đặc biệt là đối với Việt Nam các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phát tán nhiều loại thông tin sai trái, thù địch trên mạng xã hội nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thời gian gần đây, chúng đẩy mạnh việc đưa những thông tin giả, thông tin xấu, độc, với mục đích xuyên tạc, bôi đen hiện thực đất nước; phóng đại, khuyếch trương những tiêu cực trong xã hội; bóp méo các chủ trương, chính sách, luật pháp..., hiện nay chúng đưa ra các thông tin giả, tin đồn thất thiệt chống phá đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Trên internet, mạng xã hội và một số “diễn đàn”, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội cố tình đưa nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc, đặc biệt là xuyên tạc về công tác chuẩn bị đại hội. Chúng ra sức thổi phồng, bóp méo, bịa đặt về những hạn chế, yếu kém của Đảng và Nhà nước ta, nhằm phủ nhận những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới; xuyên tạc, bịa đặt về đời tư cá nhân, bôi nhọ thanh danh, uy tín của những cá nhân trong diện “quy hoạch nhân sự”. Những thông tin như vậy thường có tính kích động, tạo cảm xúc tiêu cực cho người đọc, nhất là những người không có bản lĩnh chính trị và thiếu nhận thức đúng đắn sẽ dễ dàng tin theo và cổ súy cho những thông tin xấu độc này.
Bên cạnh đó, một số người với những lý do, mục đích nào đó đã tung những tin giả, tin thất thiệt lên mạng xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, không ít tổ chức, cá nhân đã trở thành nạn nhân của những thông tin thất thiệt đó. Chúng ta đã thấy nhiều nạn nhân của những trò vu khống trên mạng. Từ chuyện một cô hoa hậu cho đến những doanh nhân, thầy giáo nổi tiếng đến những người bình thường bỗng một ngày thành "tâm bão", bị "ném đá" không thương tiếc cả trên mạng lẫn ngoài đời. Nhất là thời gian gần đây cùng với thế giới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tập trung ngăn chặn đại dịch Covid - 19, thì một số người tung lên mạng những thông tin giả, tin thất thiệt gây hoang mang trong dư luận. Nào là uống thuốc này, ăn thứ kia để phòng dịch covid, hoặc như tin “đêm nay Nhà nước mình phun thuốc ngừa dịch cùm Corona trên bầu trời”... Đây là những hành vi cần lên án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong đó, Luật an ninh mạng, tại Điều 8, điểm d cấm hành vi: "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác"; Điều 9 ghi rõ: “Người có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tình chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Để tăng cường ngăn chặn nạn tin giả, tin thất thiệt, ngày 3/02/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 15/4/2020, theo đó mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội từ 10 đến 20 triệu đồng. Trên thực tế theo nguồn tin từ các cơ quan chức năng, gần đây đã có 170 cá nhân tung tin sai lệch về dịch Covid - 19 đã bị các cơ quan chức năng đã xử lý; trong đó trên địa bàn tỉnh cơ quan công an đã tham mưu xử lý 3 đối tượng, vô hiệu hóa 02 tài khoản facebook và đang tham mưu xử lý 3 vu/3 đối tượng đưa tin sai sự thật về dịch bệnh covid - 19 trên mạng xã hội.
Để tiếp tục phòng, chống, ngăn chặn có hiệu quả thông tin giả, tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay chúng ta đang tập chung chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cả nước đang bước vào giai đoạn quyết định trong phòng chống đại dịch Covid - 19 rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và chung tay của toàn xã hội, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống tin giả, tin đồn sai trái, thất thiệt. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền làm cho các tầng lớp Nhân dân nhận rõ thông tin giả, tin đồn thất thiệt và tính chất nguy hại của nó. Cần kiên trì, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm trong quá trình đấu tranh để vạch rõ các chiêu trò đưa ra thông tin giả, tin đồn thất thiệt. Giáo dục, nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân để nhận diện, phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả, tin độc hại. Chủ động, kịp thời đưa những thông tin chính thống, làm cho cán bộ, đảng viên và người dân có cơ sở phân biệt và nhận rõ những thông tin giả, tin đồn thất thiệt, ngăn chặn tác động tiêu cực. Chủ động công khai, minh bạch thông tin những chủ trương, chính sách trong giải quyết các vấn đề, nhất là những vấn đề có tính nhạy cảm. Phát huy vai trò của báo chí chính thống trong phòng, chống thông tin giả, tin đồn thất thiệt trước đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng; về chủ trương, quan điểm và tình hình diễn biến, kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước. Kịp thời đấu tranh kiên quyết, phê phán, phản bác mạnh mẽ với những bài viết có nội dung thông tin giả, tin đồn thất thiệt, thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc sự thật, nhất là trên không gian mạng.
Mỗi chúng ta hãy là người dùng mạng xã hội thông thái. Khi tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội nên chọn những trang thông tin chính thống, những trang tin cậy, những tờ báo chính thống, uy tín; biết đặt ra nghi vấn đối với các thông tin nhận được; không tò mò bấm xem các tin, bài giật tít câu view; chủ động kiểm chứng thông tin nhận được từ các nguồn không tin tưởng; không chia sẻ khi chưa kiểm chứng thông tin.../.