Là tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao trên 84%, với 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 19 dân tộc thiểu số. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số tham gia vào hệ thống chính trị ngày một tăng. Năm 2014 số cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số là 8.579/23.404 tổng số cán bộ, công chức, viên chức của cả tỉnh, chiếm 36,6%; đến năm 2024 số cán bộ, công chức, viên chức là 7.743/18.951 tổng số cán bộ, công chức, viên chức của cả tỉnh, chiếm 40,8%. Tính đến 31/12/2014 có 11.264 đảng viên người dân tộc thiểu số/22.233 tổng số đảng viên, chiếm 50,66%. Tính đến 30/6/2024 có 17.042 đảng viên người dân tộc thiểu số/31.206 tổng số đảng viên, chiếm 54,61%. Để phát huy được đội ngũ này với sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn xác định nâng cao chất lượng thật sự đội ngũ này và là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu cần chú trọng triển khai thực hiện.
Ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ, đảng viên dân tộc thiểu số Lai Châu cần được trang bị, bồi dưỡng lý luận sắc bén, bản lĩnh chính trị vững vàng để tham mưu đúng chỉ đạo, định hướng, đúng pháp luật, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta còn có nhiều nhược điểm mà một trong những nhược điểm lớn là trình độ lý luận còn thấp kém… vì trình độ lý luận thấp kém cho nên đứng trước nhiệm vụ cách mạng ngày càng mới và phức tạp, trong việc lãnh đạo, Đảng ta không khỏi lúng túng, không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm”. Người cũng chỉ rõ: “Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”. Sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có nguyên nhân sâu xa do thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, cho nên, khi đứng trước những thử thách, cám dỗ không khỏi dao động, chệch hướng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị; khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên…”.
Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng đó, những năm qua, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện cán bộ là người dân tộc thiểu số; ban hành các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong đó có cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, nhất là Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ, kinh nghiệm cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm theo tinh thần tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng về hình thức, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nhu cầu ở địa phương, đơn vị. Chú trọng mở các lớp bồi dưỡng công tác xây dựng Đảng; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ các cấp. Quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên giảng dạy các môn lý luận chính trị có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn; thường xuyên đánh giá năng lực, phẩm chất và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng. Chỉ đạo cán bộ, đảng viên tích cực tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận chính trị…
Nhờ đó cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tăng nhanh không chỉ đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa cán bộ mà còn nâng cao chất lượng công tác tham mưu của cán bộ, đảng viên. Từ năm 2014 đến nay, Cao cấp lý luận chính trị có 10 lớp mở tại tỉnh và học tập trung tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị khu vực I với 1.155 đồng chí (dân tộc thiểu số 287); Trung cấp lý luận chính trị 97 lớp với 6.253 đồng chí (dân tộc thiểu số 2.508); Sơ cấp lý luận chính trị 43 lớp với 2.440 đ/c (dân tộc thiểu số 1.606). Nhờ đó, số lượng người dân tộc thiểu số được đào tạo lý luận chính trị ngày một tăng. Đến nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số có trình độ lý luận là 3.220 người, trong đó: Cấp tỉnh 430 người (cử nhân, cao cấp 121 người; trung cấp 218 người; sơ cấp 91 người), cấp huyện 1.315 người (cử nhân, cao cấp 140 người; trung cấp 627 người; sơ cấp 548 người), cấp xã 1.475 người (cử nhân, cao cấp 94 người; trung cấp 1.327 người; sơ cấp 54 người).
Sau đào tạo, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được nâng cao về trình độ lý luận chính trị, củng cố bản lĩnh chính trị, có kỹ năng, kiến thức. Đã có nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số năng động, sáng tạo, tự tin, dám nghĩ, dám làm, trở thành nòng cốt trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; là những nhân tố tích cực trong tuyên truyền, hướng dẫn cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững... Nhiều đồng chí được cấp ủy đảng, chính quyền tin tưởng và được xem xét bố trí, đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
Mặc dù công đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả song nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và một số ít người đứng đầu, cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng trong việc học tập, nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị chưa đầy đủ. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng lý luận còn nặng về lý luận, ít tính thực tiễn; phương pháp đào tạo, bồi dưỡng chưa thật sự đột phá; đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng, hạn chế về kiến thức thực tiễn; việc đánh giá kết quả sau đào tạo, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn lý luận chính trị hiệu quả chưa cao; một số ít cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ, đảng viên dân tộc thiểu số nói riêng chưa tích cực tự học, tự nghiên cứu lý luận chính trị… sẽ là những khó khăn, cần tập trung giải quyết đối với công tác lý luận chính trị của tỉnh trong thời gian tới.
Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các tác động đến từ kỷ nguyên công nghệ có thể chi phối, mặt trái của cơ chế thị trường,… tác động tiêu cực đối với tư duy, nhận thức và hành vi của cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đẩy mạnh hoạt động xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Trong đó, chúng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhất là ở những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số để hoạt động chống phá. Để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, bản lĩnh ngang tầm nhiệm vụ đòi hỏi cấp uỷ chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao nhận thức các cấp ủy về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên của đảng bộ, cơ quan, đơn vị: có biện pháp khắc phục triệt để khi xuất hiện “bệnh lười học tập” lý luận chính trị ở cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số. Thường xuyên rà soát trình độ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số, phân loại đào tạo theo từng chức danh, từ đó, đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng làm căn cứ để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo bồi dưỡng phù hợp; đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng, từ đó xem xét, đánh giá nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.
Nghiên cứu, cập nhật, bổ sung nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; cập nhật các chủ trương, nghị quyết của Đảng; thực hiện xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp, thời gian đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chọn lọc, thiết thực, phù hợp với thực tiễn, phù hợp với cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm chính trị chuẩn theo quy định của Trung ương. Rà soát đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên trách để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng vừa đảm bảo yêu cầu về trình độ chuyên môn, năng lực giảng dạy, vừa đảm bảo về kinh nghiệm thực tiễn phong phú, am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán, lối sống, cách nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số hoặc luân chuyển hợp lý. Kiên quyết thay thế những cán bộ, giảng viên không đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và không có khả năng giảng dạy, quản lý. Tăng cường đội ngũ giảng viên kiêm chức giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, cơ quan, đơn vị là người dân tộc thiểu số. Ứng dụng các thành tựu về công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và quản lý, đánh giá cán bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác giáo dục lý luận chính trị của tỉnh. Kịp thời giải quyết các chế độ chính sách liên quan cho người được đào tạo, bồi dưỡng; bố trí, sắp xếp chỗ ở hoặc hỗ trợ thêm về vật chất, kinh phí để người được đào tạo, bồi dưỡng là người dân tộc thiểu số có điều kiện học tập, tiếp thu tốt hơn.
Với quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số đủ năng lực, phẩm chất, bản lĩnh chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn nữa. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thay đổi, xác định việc “tự đào tạo” là phương thức cốt lõi trong học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị./.