Đến nay, toàn tỉnh có hơn 400 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động (tổng số cán bộ quản lý HTX là 1.124 người) trong các ngành, lĩnh vực kinh tế… Lĩnh vực nông nghiệp có 174 HTX, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 18 HTX, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng 68 HTX, thương mại, dịch vụ thương mại 55 HTX, vận tải 4 HTX, vệ sinh môi trường 5 HTX, tín dụng 2 HTX.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, vùng đồng bào các dân tộc; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng lên; đồng thời, các chính sách, đề án, chương trình trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025 đã được tỉnh ban hành. Tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX (đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ chế biến sản phẩm, về đất đai, ưu đãi về thuế,…). Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 994/KH-UBND, ngày 16/4/2021 về việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX được tăng cường, Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể HTX đã được thành lập và kiện toàn từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Công tác đăng ký HTX, liên hiệp HTX đã được UBND các huyện, thành phố và Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo đúng quy định của Luật HTX và các văn bản hướng dẫn. Việc giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định về thời gian và trình tự. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo... Nhờ đó, các HTX phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nổi bật có HTX Phương Nhung (kinh doanh tổng hợp), HTX Dung Bảo (chăn nuôi), HTX Nông nghiệp và Thương mại Du lịch (nuôi cá lồng) huyện Than Uyên; HTX nông nghiệp Vùng cao Phong Thổ, huyện Phong Thổ và HTX Ngũ Chỉ Sơn, huyện Tam Đường (nuôi cá nước lạnh); HTX Mý Dao, HTX nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ; HTX nông dược Phương Nam, huyện Tân Uyên; HTX nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn…
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, HTX còn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường nhằm phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Các HTX thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức cho các thành viên thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang các hình thức nông nghiệp sạch, an toàn bền vững, nông nghiệp hữu cơ; tổ chức cho các thành viên tham quan mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài tỉnh.
Hoạt động hiệu quả của các HTX trong toàn tỉnh thời gian qua đã góp phần hỗ trợ cho kinh tế hộ gia đình, kinh tế nông nghiệp tại địa phương phát triển đúng hướng, là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài việc giải quyết việc làm cho lực lương lao động tại chỗ: thu hút, tạo việc làm cho hơn 9.000 thành viên và lao động có thu nhập ổn định. Nhiều HTX đã phát huy tốt vai trò, tạo thu nhập cho thành viên và người lao động (thu nhập bình quân ước đạt 50,79 triệu đồng/người/năm); thông qua các hoạt động cung ứng bao tiêu sản phẩm cho thành viên đã tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi tại địa phương thúc đẩy kinh tế trang trại và kinh tế hộ gia đình phát triển.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể sâu rộng trong xã hội, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với thành phần kinh tế tập thể đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trên các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, khai thác được lợi thế của địa phương; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX. Củng cố, mở rộng và phát triển kinh tế tập thể trong các ngành, lĩnh vực, trong đó hình thức HTX là nòng cốt. Chú trọng xây dựng các mô hình HTX kiểu mới; mở rộng liên kết hợp tác, nhất là HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX quảng bá, kết nối đưa các sản phẩm của tỉnh vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại của các tỉnh, thành phố; tham gia các gian hàng trên sàn thương mại điện tử lớn để giới thiệu và bán sản phẩm qua mạng... Các HTX tiếp tục đổi mới hoạt động, quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, liên kết với các thành phần kinh tế khác,… Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân./.